Vietstock - "Cửa khó" để nông sản Việt vào siêu thị
Một trong những kênh tiêu thụ hàng hóa ổn định, có thể gia tăng giá trị cho nông dân chính là hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Trong tương lai, việc đưa nông sản vào siêu thị sẽ chiếm lĩnh và được người tiêu dùng lựa chọn vì sự tiện ích của nó.
Cơ hội lớn
Liên tục từ năm 2015 đến nay, "giải cứu" gần như là cụm từ được nhắc đến thường xuyên khi mà các loại nông sản, thực phẩm như thịt heo, chuối, cho đến củ cải, cà rốt, cà chua, hành tím, dưa hấu, khoai lang,... "bí đầu ra".
Giữa tháng 5/2018, đến các siêu thị Big C, người tiêu dùng bắt gặp băng rôn "Mỗi trái dưa triệu tấm lòng". Đây là thông điệp của chương trình hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu ở Quảng Ngãi, Quảng Nam khi trái cây này không có người mua. Kết quả là, chỉ trong 7 ngày, có khoảng 250 tấn dưa hấu được "giải cứu" thông qua hệ thống siêu thị Big C.
Trước đó một tuần, đơn vị này đã thu mua 60 tấn bí đỏ của người dân xã Cư Yang (Đắk Lắk). Vào giữa tháng 3 năm nay, Big C cũng đã tăng cường mua củ cải trắng của nông dân huyện Mê Linh (Hà Nội).
Cũng như thế, cuối tháng 3/2018, Saigon Co.op đã mua củ cải trắng, su hào, cà rốt và bắp cải trắng của huyện Mê Linh và Hưng Yên sắp bị ùn ứ cần giải cứu gấp. Thông qua hệ thống bán lẻ thành viên, Saigon Co.op đã giúp tiêu thụ 450 - 600 tấn nông sản.
Ông Nguyễn Thành Nhân - Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, trước mắt, Saigon Co.op ưu tiên mua nông sản với giá tốt nhất, đồng thời sẽ tổ chức giảm giá, khuyến mãi để vừa giúp tiêu thụ nông sản, vừa giúp người tiêu dùng mua được nông sản an toàn với giá tốt.
Ngoài tiêu thụ tại các siêu thị trong nước, nông sản Việt cũng có cơ hội để ra thị trường nước ngoài thông qua các siêu thị trong cùng hệ thống ở nước ngoài.
Có thể kể đến siêu thị Lotte Hàn Quốc. Năm 2016, Lotte Hàn Quốc đã nhập 1.300 tỷ đồng hàng hóa (chuối, xoài, thanh long...) từ Việt Nam. Năm 2017, giá trị hàng Việt Nam nhập khẩu vào hệ thống phân phối của Lotte đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.
Với Aeon Việt Nam, nếu sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí của đơn vị này đưa ra, các nhà cung cấp không chỉ đưa được sản phẩm vào siêu thị Aeon ở Việt Nam mà còn có cơ hội bán hàng trong hệ thống Aeon với hơn 14.000 cửa hàng ở khu vực châu Á, trong đó có hơn 11.000 cửa hàng tại Nhật Bản, hơn 2.000 cửa hàng tại các nước ASEAN.
Quý I/2018, Công ty MM Mega Market Việt Nam xuất khẩu 100 tấn nông sản Việt gồm khoai lang vàng, khoai lang tím, thanh long, trái cây sấy, bánh tráng sang 700 siêu thị Big C Thái Lan. Theo đánh giá của bộ phận mua hàng từ Thái Lan, nông sản Việt có những lợi thế riêng, đặc biệt là khoai lang với sản lượng ổn định, đạt quy định an toàn trong sản xuất và chất lượng cao. Do vậy, đây có thể là mặt hàng sẽ được đặt hàng số lượng lớn và dài hạn trong thời gian tới.
Còn nhiều khó khăn
Tiêu thụ nông sản đang là vấn đề bức thiết không chỉ đối với nông dân mà còn với các nhà quản lý, hoạch định chính sách. Và một trong những kênh tiêu thụ hàng hóa ổn định, có thể gia tăng giá trị cho nông dân chính là hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Tuy nhiên, việc đưa hàng hóa, nông sản vào siêu thị đang gặp nhiều khó khăn bởi chủ yếu nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong khi quy định đầu tiên của siêu thị là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán…
Theo Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, đa phần các sản phẩm chưa được kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn VietGAP, thậm chí không theo tiêu chuẩn nào. Vì vậy, về cảm quan có thể được coi là hàng ngon, hàng đẹp, nhưng do không có chứng chỉ nên nhiều siêu thị muốn nhận cũng không thể ký kết được. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa những nhà bán lẻ và nhà cung ứng còn những vướng mắc như chiết khấu cao, chi phí lớn khi đưa vào siêu thị… Điều đó làm cho hàng sạch, hàng ngon chưa vào hết được siêu thị để phục vụ người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, để giải quyết căn cơ thực trạng trên, các địa phương cần chủ động có những giải pháp thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn, theo hình thức liên kết chuỗi... Ngoài ra, công tác kết nối cung - cầu cũng cần chặt chẽ hơn. Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho rằng, ngoài vấn đề trên, cần nghiên cứu thiết lập sàn thương mại điện tử cho hàng nông sản trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phân phối và nhà sản xuất có thể dễ dàng tìm kiếm, kết nối thương mại.
Bên cạnh đó, các nhà chuyên môn cũng cho rằng, để ổn định đầu ra cho mặt hàng nông sản, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm và trợ giúp người sản xuất về mặt chứng nhận an toàn thực phẩm. Về phía các cơ sở sản xuất, phải thay đổi cả về hình thức canh tác lẫn tư duy sản xuất hàng hóa và phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu nhất của siêu thị; tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, tự thân vận động để đưa hàng vào siêu thị như hiện nay...
Nha Trang