Vietstock - Chi thường xuyên đang "quá sức chịu đựng"
Ngày 29-10, tại tọa đàm "Góc nhìn chuyên gia về dự thảo dự toán ngân sách năm 2019", các chuyên gia kinh tế đánh giá vấn đề ngân sách Nhà nước (NSNN) thời gian qua đã có những bước tiến nhưng vẫn ở mức độ dè chừng.
Ông Phạm Đình Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, cho biết hiện có 3 luật quan trọng điều chỉnh các quy định liên quan đến việc công khai NSNN là Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Mỗi công dân đều có quyền tiếp cận và đưa ra ý kiến về dự thảo dự toán NSNN, do đó yêu cầu công khai, minh bạch về ngân sách là vô cùng quan trọng.
Ghi nhận bước tiến trong công khai dự thảo dự toán NSNN nhưng chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng chúng ta còn có khoảng cách rất xa so với chuẩn minh bạch của thế giới. Thế giới đang xếp hạng Việt Nam ở mức thấp về việc công khai, minh bạch NSNN. Theo TS Doanh, NSNN hiện nay chỉ mới công khai ở những con số chung chung về tổng thu, tổng chi cho đầu tư, chi thường xuyên, chi trả nợ mà chưa đi vào chi tiết. Trong khi đó, chi thường xuyên hiện đang "quá sức chịu đựng" với NSNN. Trong đó có nhiều khoản chi không cần thiết, quá tay do bộ máy cồng kềnh, trùng lắp.
Ông Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công, kiến nghị Quốc hội dành nhiều thời gian hơn nữa để thảo luận về nội dung NSNN, đưa ra các phương án sử dụng ngân sách phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Ông Cường cũng đề cao tính công khai, minh bạch NSNN và nhấn mạnh cần có sự nhất quán giữa các năm để đưa ra các so sánh hợp lý.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, các chuyên gia bày tỏ lo ngại khi thu ngân sách vẫn phụ thuộc nhiều vào bán đất, thu tiền sử dụng đất, tài nguyên, tài sản nhà nước. Đây là các khoản thu một lần và không bền vững. Ông Cường chỉ ra rằng trong dự toán ngân sách 3 năm gần đây, số thu từ thuế, phí và lệ phí có xu hướng giảm trong khi chiến lược của ngành thuế là tăng lên. Theo số liệu ông Cường thu thập được, số thu từ thuế và lệ phí trong năm 2017 là 22,7%, năm 2018 là 19%, năm 2019 giảm còn 18,7%.
"Thuế, phí là nguồn thu quan trọng nhất nhưng xu hướng đang giảm rõ rệt. Đây là một rủi ro rất lớn về dài hạn cho ngân sách. Trong khi đó, ngân sách lại đang được bù đắp bằng những nguồn thu không bền vững như đất đai, tài nguyên, bán tài sản" - ông Vũ Sỹ Cường nói.
Minh Chiến