Vietstock - Chứng khoán châu Á khởi sắc
Chứng khoán châu Á phần lớn đều khởi sắc trong ngày thứ Tư (22/05) khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục đeo bám nhà đầu tư.
Khép lại phiên ngày thứ Tư (22/05), trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng nhẹ lên 21,283.37 điểm khi cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung Fast Retailing tăng giá. Trong khi đó, chỉ số Topix lại giảm 0.26% xuống 1,546.21 điểm.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi quay đầu tăng 0.18% lên 2,064.86 điểm. Còn chỉ số ASX 200 của Australia cộng 0.16% lên 6,510.70 điểm.
Trên thị trường Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tăng 0.18% lên 27,705.94 điểm.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc khép phiên ngày 22/05
Nguồn: CNBC
|
Đi ngược với xu hướng chung của thị trường là chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc lùi 0.49% xuống 2,891.70 điểm và Shenzhen Component hạ 0.51% xuống 9,041.22 điểm. Shenzhen Composite giảm 0.506% xuống 1,540.85 điểm.
Cổ phiếu của công ty công nghệ giám sát Trung Quốc Hikvision mất 5.54% sau khi tờ New York Times đưa tin chính quyền Mỹ xem xét đưa ra ràng buộc về khả năng mua công nghệ Mỹ của công ty này.
Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào ngày thứ Ba (21/05) sau thông tin rằng Mỹ tạm thời nới lỏng ràng buộc gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc – Huawei.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones vọt 197.43 điểm lên 25,877.33 điểm khi cổ phiếu Intel có thành quả vượt trội. Chỉ số S&P 500 tiến 0.9% lên 2,864.36 điểm, với lĩnh vực công nghệ tăng 1.2%. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1.1% lên 7,785.72 điểm.
Vào tối ngày thứ Hai (20/05), Bộ Thương mại Mỹ cho biết nước này cho phép Huawei mua hàng hóa do Mỹ sản xuất để duy trì các mạng hiện có và cung cấp bản cập nhật phần mềm cho các thiết bị cầm tay hiện có của Huawei cho đến ngày 09/08/2019. Động thái này đã làm giảm tối thiểu khả năng gián đoạn cho khách hàng trên toàn cầu của công ty viễn thông. Những ràng buộc ban đầu đã làm nhà đầu tư lo ngại rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra ngày càng gay gắt.
“Đó là tia hy vọng khác mà chúng ta có thể tránh được kịch bản xấu nhất xảy ra”, Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại National Securities, nhận định. “Thị trường có xu hướng nắm bắt những yếu tố tích cực trong thương mại”.
Động thái của Chính phủ Mỹ được đưa ra gần 1 tuần sau khi chính quyền ông Trump cho biết các công ty Mỹ sẽ cần phải có giấy phép để làm ăn với Huawei. Đây được xem là một sự leo thang trong thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cả 2 nước gần đây đã tăng thuế đối với hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của nhau, qua đó dẫn đến biến động trên các thị trường tài chính.
Căng thẳng thương mại sẽ không sớm biến mất bất cứ lúc nào. Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã báo hiệu sẽ không kết thúc chuộc chiến thương mại trong tương lai gần. Tuần trước, CNBC đã biết rằng các cuộc thảo luận về lịch trình cho các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo đã bị đình trệ.
Dryden Pence, Giám đốc đầu tư tại Pence Wealth Management, cho biết thị trường vẫn sẽ dao động trong phạm vi hẹp cho đến khi xung đột được giải quuết. Một khi điều đó xảy ra, thị trường sẽ nhảy vọt.
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 98.103 sau khi rơi xuống mức 97.996.
Đồng JPY được “sang tay” ở mức 110.39 đổi 1 USD sau khi suy yếu từ mức 110 đổi 1 USD trong phiên trước. Đồng AUD được giao dịch ở mức 0.6879 USD sau khi giảm từ mức trên 0.69 USD trong ngày hôm qua sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) cho biết ông sẽ cân nhắc giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 6/2019.
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch châu Á ngày thứ Tư (22/05), trong đó hợp đồng dầu Brent tương lai lùi 0.68% xuống 71.69 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI tương lai hạ 1.06% xuống 62.46 USD/thùng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)