Vietstock - Thủ tướng: Trân trọng nhà đầu tư nhưng không hoan nghênh việc trục lợi
Chính phủ trân trọng và chào đón các nhà đầu tư và doanh nghiệp kinh doanh, khởi nghiệp tại Việt Nam nhưng không hoan nghênh những hoạt động làm ăn không chân chính, lợi dụng quan hệ, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để trục lợi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017, sáng 12/12 tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự VBF 2017 - Ảnh: Chinhphu.vn
|
VBF là kênh đối thoại chính sách thường niên lớn nhất với Chính phủ Việt Nam, trước khi phát biểu, Thủ tướng đã lắng nghe ý kiến từ 5 vị đại diện các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã ngày càng trưởng thành, lớn lên cùng đất nước, đông thêm về số lượng và mạnh lên về tiềm lực và là động lực hàng đầu đưa của nền kinh tế trong 20 năm qua tăng trưởng cao, liên tục, GDP tăng gấp 8 lần, GDP năm 1997 mới đạt 27 tỷ USD, đến 2017 ước đạt gần 220 tỷ USD, phấn đấu đến 2020 đạt gần 300 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thì vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân để biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển nhanh và bền vững.
Trước nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng cho biết, cùng với những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ Việt Nam đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phấn đấu trong năm 2018-2019 có thể ký Hiệp định Thương mại tự do EVFTA với Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp, mở ra không gian phát triển rộng lớn cho phát triển của nền kinh tế, tham gia vào chuỗi giá trị trong các nền kinh tế thành viên của các Hiệp định FTA mới.
Giảm gánh nặng cho doanh nghiệp
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng nêu một số vấn đề sẽ được Chính phủ tập trung giải quyết.
Thứ nhất, Chính phủ ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng giúp tạo ra các kết nối "thông minh", hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ, lấy nền tảng con người và năng lực khoa học công nghệ làm động lực của tăng trưởng trong những thập niên tới.
Thứ hai, Chính phủ quyết tâm giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị xã hội ổn định, đây chính là một lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới đầy bất trắc và có nhiều biến động, khó lường.
Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính ngân hàng, xử lý nợ xấu, kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ công, cải cách hệ thống thuế theo hướng hiệu quả trên tinh thần giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, nâng cao phúc lợi và an sinh xã hội,… Đặc biệt, trong ngắn hạn, Chính phủ sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt các công cụ tài khóa và tiền tệ để nâng đỡ nền kinh tế, thúc đẩy công ăn việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân, Thủ tướng cho biết.
Vấn đề tiếp theo được Thủ tướng đề cập là hiện nay, Chính phủ đang tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả; thúc đẩy pháp quyền, nâng cao năng lực quản trị nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự tăng trưởng, bảo đảm các thăng tiến xã hội không ngừng, kéo tầng lớp thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá. Sự thăng tiến xã hội là chìa khóa để duy trì sự chuyển động của một vòng xoay tích cực thúc đẩy lẫn nhau giữa sự gia tăng tầng lớp trung lưu và tăng trưởng kinh tế. Chính cộng đồng doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là phương tiện để Chính phủ hiện thực hóa tầm nhìn và ước vọng của mình, ông nói.
Kỳ vọng thế hệ doanh nhân mới
Nhấn mạnh ngoài những cam kết, hành động của mình, Chính phủ cũng đặt kỳ vọng về một lớp doanh nghiệp và một thế hệ doanh nhân mới, Thủ tướng nói thực tế phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vậy làm sao để doanh nghiệp Việt Nam sớm lớn mạnh để có thể vươn ra biển lớn là câu hỏi trăn trở đối với lãnh đạo Chính phủ.
Tuy nhiên, gần đây tại Việt Nam đang nổi lên nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn có năng lực cạnh tranh không chỉ với trong nước mà trên thị trường quốc tế. Điều này cho thấy cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam trỗi dậy là rất lớn. Chính phủ luôn khuyến khích tinh thần cạnh tranh công bằng giữa tất cả các loại hình doanh nghiệp, mong muốn các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn và khuyến khích áp dụng công nghệ quản trị hiện đại và hướng tới áp dụng các chuẩn mực cao của OECD, Thủ tướng phát biểu.
Thông điệp tiếp theo được ông nhấn mạnh là Chính phủ Việt Nam trân trọng và chào đón các nhà đầu tư và doanh nghiệp kinh doanh, khởi nghiệp tại Việt Nam nhưng không hoan nghênh những hoạt động làm ăn không chân chính, lợi dụng quan hệ, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để trục lợi... Chính phủ cũng kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các doanh nghiệp có hành vi gây ô nhiễm, phá vỡ tính bền vững của môi trường tự nhiên; gây ảnh hưởng tiêu cực tới các giá trị truyền thống về văn hóa, xã hội; sử dụng lao động bất hợp pháp, trẻ vị thành niên, phân biệt đối xử, ít quan tâm đến quyền lợi người lao động; sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; các hành vi trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại…, Thủ tướng khẳng định.
Theo Thủ tướng, chính cộng đồng doanh nghiệp là những người định hình nên diện mạo nền kinh tế Việt Nam trong những thập niên tới, họ cũng sẽ là một động lực quan trọng hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò là nhà kiến tạo phát triển.
"Tôi tin rằng Diễn đàn VBF sẽ tiếp tục là một kênh đối thoại chính sách quan trọng và hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững", Thủ tướng phát biểu.
Nguyên Vũ