Vietstock - Thanh tra kiến nghị giao Bộ Công an điều tra sai phạm tại Đạm Ninh Bình
Dự án nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình nằm trong 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, yếu kém, thua lỗ của ngành công thương.
Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản gửi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về việc xử lý sau thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, xử lý vi phạm tại dự án nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình.
Trước đó, từ tháng 3/2018, Phó thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ làm rõ tổng mức thiệt hại về kinh tế tại dự án nhà máy đạm Ninh Bình và xác định các nội dung vi phạm chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định và báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/5.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương kiểm điểm, xác định trách nhiệm đối với tổ chức cá nhân liên quan và đưa ra các biện pháp khắc phục tồn tại, sai phạm của dự án. Cùng với đó, Chính phủ giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán toàn diện dự án và giao Bộ Công an tiến hành điều tra, xử lý các sai phạm theo quy định pháp luật.
“Sau khi có kết quả xử lý của Bộ Công Thương, Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công an, nếu còn có những nội dung cần thiết phải xử lý, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra theo chỉ đạo”, văn bản nêu rõ.
Dự án nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình nằm trong 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, yếu kém, thua lỗ ngành công thương, Bộ Công Thương đã thanh tra, có kết luận. Thanh tra Chính phủ sau đó có văn bản báo kết quả rà soát việc triển khai công tác thanh tra, kiểm toán điều tra đối với 12 dự án. Theo cơ quan này, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng – Bộ Công an đang tiến hành xác minh, thu thập tài liệu liên quan và có văn bản yêu cầu Tập đoàn Hóa chất cung cấp tài liệu, chứng từ liên quan đến dự án Đạm Ninh Bình. Kiểm toán Nhà nước hiện đã cử tổ khảo sát đến dự án thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan.
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư và Tổng công ty Thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC, được xây dựng từ năm 2008 và đi vào vận hành thương mại năm 2012. Tuy nhiên, ngay khi đó, doanh nghiệp đã lỗ 75 tỷ và luỹ kế trong 4 năm (2012 - 2016) lỗ hơn 3.100 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ nghìn tỷ được lãnh đạo nhà máy lý giải là chi phí sản xuất cao hơn giá thành, hàng tồn kho lớn trong khi giá ure trên thị trường lao dốc...
Nguyễn Hà