Vietstock - “Mỹ điều tra hình sự Huawei vì nghi án đánh cắp bí mật thương mại”
Nếu được xác nhận, cuộc điều tra mới nhất của Mỹ nhằm vào Huawei sẽ cho thấy lập trường ngày càng cứng rắn của Washington...
Một gian hàng của Huawei tại triển lãm công nghệ CES ở bang Nevada, Mỹ, hôm 9/1 - Ảnh: Reuters.
|
Cơ quan công tố liên bang Mỹ đang tiến hành một cuộc điều tra hình sự nhằm vào Huawei do nghi ngờ tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới đánh cắp bí mất thương mại của doanh nghiệp Mỹ.
Một bản cáo trạng đối với Huawei có thể sớm được các công tố viên công bố - tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin cho biết ngày 16/1.
Nguồn tin nói rằng một phần của cuộc điều tra trên liên quan đến công nghệ sử dụng trong một thiết bị mà nhà mạng viễn thông Mỹ T-Mobile dùng để thử điện thoại thông minh (smartphone).
Cuộc điều tra này nối dài bản danh sách những hành động mạnh tay mà chính quyền Tổng thống Donald Trump triển khai trong cuộc chiến nhằm vào điều mà Washington cho là Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, trợ cấp bất hợp pháp cho các công ty nhà nước, và cản trở các công ty Mỹ gia nhập thị trường Trung Quốc.
Thông tin vê cuộc điều tra trên được đưa ra giữa lúc Huawei đang đối mặt với một loạt vụ kiện dân sự ở Mỹ và nhiều quốc gia khác. Trong đó, có một đơn kiện của T-Mobile vào năm 2014 cáo buộc Huawei đánh cắp công nghệ tự động hóa (robot) của nhà mạng này.
T-Mobile cho rằng nhân viên Huawei đã đánh cắp công nghệ liên quan đến một robot thử nghiệm smartphone mà T-Mobile có trong một phòng thí nghiệm ở Bellevue, Washington. Theo cáo buộc, công nghệ bị đánh cắp khi nhân viên Huawei chụp ảnh con robot có tên Tappy và tìm cách tháo một bộ phận của robot để mang đi.
Tháng 5/2017, một thẩm phán Mỹ ra phán quyết buộc Huawei phải bồi thường cho T-Mobile số tiền 4,8 tỷ USD.
Nếu được xác nhận, cuộc điều tra mới nhất của Mỹ nhằm vào Huawei sẽ cho thấy lập trường ngày càng cứng rắn của Washington đối với hãng công nghệ Trung Quôc này.
Không chỉ gặp khó khăn ở Mỹ, Huawei còn đang đối mặt sức ép ngày càng lớn ở châu Âu và nhiều thị trường quan trọng khác do lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng thiết bị Huawei cho mục đích gián điệp - cáo buộc mà Huawei luôn phủ nhận.
Thời gian qua, Mỹ đã thuyết phục hàng loạt quốc gia đồng minh "cấm cửa" thiết bị Huawei trong bối cảnh Mỹ-Trung căng thẳng thương mại. Tuần trước, một Giám đốc bán hàng của Huawei bị bắt ở Ba Lan vì nghi án gián điệp.
Hồi tháng 12, Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, bị bắt ở Canada theo đề nghị của Mỹ vì bị nghi liên quan đến các hoạt động vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran. Bà Mạnh, con gái cả của nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi, hiện đã được tại ngoại ở Canada nhưng đứng trước khả năng bị dẫn độ về Mỹ.
AN HUY