Vietstock - Chứng khoán châu Á: Lên rồi lại xuống
Chứng khoán châu Á rơi vào trạng thái trái chiều trong phiên chiều ngày thứ Năm (10/01), sau khi Trung Quốc công bố số liệu lạm phát yếu hơn dự báo, và nhà đầu tư “thẩm thấu” thông tin cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung khép lại.
Tính tới lúc 13h35 ngày thứ Năm (10/01 – giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Trung Quốc – vốn được đông đảo nhà đầu tư theo dõi vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung – trồi sụt qua lại quanh ngưỡng tham chiếu. Hiện, chỉ số Shanghai Composite giảm 2.98 điểm (tương ứng 0.12%), sau khi đắm chìm trong sắc xanh trong phiên sáng.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 13h35 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với thị trường chứng khoán Hồng Kông. Chỉ số Hang Seng tiến 8.46 điểm (tương ứng 0.03%), khi cổ phiếu Tencent tăng 0.31%.
Trong ngày thứ Năm (10/01), Trung Quốc công bố số liệu lạm phát tháng 12/2018 vào đúng lúc thị trường mở cửa. Số liệu lạm phát yếu hơn so với dự báo.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2018 của Trung Quốc – một chỉ số đo lường giá hàng hóa và dịch vụ – tăng trưởng 1.9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kỳ vọng tăng trưởng 2.1% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng trưởng 0.9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo 1.6% của các chuyên gia kinh tế.
Số liệu lạm phát mới nhất được đưa ra sau khi Trung Quốc đưa ra số liệu sản xuất công nghiệp ảm đạm hơn dự báo trong tháng 12/2018.
Dữ liệu kinh tế từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ để đánh giá tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Để kích thích nền kinh tế đang giảm tốc, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng để khuyến khích cho vay.
“Rõ ràng nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc mạnh và các biện pháp được đưa ra cho tới nay vẫn chưa đủ để hồi sinh nền kinh tế. Trong trường hợp tốt nhất, chúng có thể ổn định tình hình có lẽ là trong nửa sau của năm 2019 và chúng tôi vẫn mới chỉ ở thời điểm đầu quý 1/2019”, David Gaud, Giám đốc đầu tư tại Pictet Wealth Management khu vực châu Á, trao đổi trên chương trình “Street Signs” trong ngày thứ Năm (10/01).
“Cho dù là họ làm gì tại thời điểm này, tình hình sẽ rất khó khăn và quý 1/2019 sẽ đầy thách thức”, Gaud cho hay.
Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 263.26 điểm (tương ứng 1.29%), còn Topix hạ 0.83%. Chỉ số Kospi trồi sụt quanh ngưỡng tham chiếu, hiện giảm 2.46 điểm (tương ứng 0.12%), khi cổ phiếu SK Hynix nhảy vọt hơn 2.8%.
Trên thị trường Australia, chỉ số ASX 200 xóa sạch đà giảm trong phiên và quay đầu tăng 17 điểm (tương ứng 0.29%), trong đó các lĩnh vực rơi vào trạng thái trái chiều. Chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – giảm 0.19% khi cổ phiếu của nhóm Big4 ngân hàng suy giảm. Cụ thể, cổ phiếu Westpac giảm nhẹ, Commonwealth Bank (Australia) hạ gần 0.5%, còn National Australia Bank giảm 0.2%. Trong khi đó, cổ phiếu ANZ tăng 0.28%.
Mỹ và Trung Quốc khép lại 3 ngày đàm phán thương mại
Vòng đàm phán thương mại mới nhất ở Bắc Kinh đã khép lại trong ngày thứ Tư (09/01) sau khi bất ngờ kéo dài sang ngày thứ ba. Các quan chức Mỹ cho biết, họ sẽ báo cáo lại với Nhà Trắng rồi mới đưa ra bước đi kế tiếp.
Trong suốt cuộc họp, các quan chức bàn luận về “những thay đổi cấu trúc cần thiết ở Trung Quốc” liên quan tới các vấn đề như ăn trộm qua mạng (cybertheft) và sở hữu trí tuệ cũng như “cam kết mua một lượng lớn nông sản, năng lượng, hàng hóa sản xuất công nghiệp và các hàng hóa và dịch vụ khác từ Mỹ”, theo tuyên bố của Mỹ.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng công bố tuyên bố trong buổi sáng ngày thứ Năm (10/01), cho rằng vòng đàm phán thương mại với Mỹ rất bao quát và tạo nên nền tảng để giải quyết mối lo ngại của đôi bên. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, cả hai bên nhất trí duy trì mối liên hệ chặt chẽ.
Dow Jones tăng liền 4 phiên
Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầy biến động ngày thứ Tư (09/01), sau khi biên bản cuộc họp tháng 12/2018 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhắc lại những nhận định từ Chủ tịch Fed hồi tuần trước về sự kiên nhẫn đối với chính sách tiền tệ.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 91.67 điểm lên 23,879.12 điểm, ghi nhận 4 phiên leo dốc liên tiếp. Chỉ số S&P 500 tiến 0.4% lên 2,584.96 điểm – cũng đánh dấu 4 phiên tăng liền, chuỗi leo dốc dài nhất kể từ tháng 9/2018 – khi lĩnh vực công nghệ và năng lượng có thành quả vượt trội. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.87% lên 6,957.08 điểm khi cổ phiếu Apple (NASDAQ:AAPL) tăng 1.7%. Lĩnh vực năng lượng tăng 1.5%, nhờ vào đà nhảy vọt 5.2% của giá dầu WTI.
Ngoài ra, biên bản họp tháng 12/2018 của Fed cũng xác nhận lại những nhận định của Chủ tịch Fed, Jerome Powell, trong ngày thứ Sáu tuần trước (04/01) về chuyện sẽ kiên nhẫn trong việc đưa ra quyết định chính sách tiền tệ trong tương lai.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thừa nhận rằng lộ trình chính sách sắp tới trở nên “mù mờ” hơn sau khi họ quyết định nâng lãi suất tại cuộc họp tháng 12/2018.
Trong biên bản họp lần này, Fed có lưu ý rằng môi trường áp lực lạm phát thấp cho phép Fed “trở nên kiên nhẫn hơn về việc thắt chặt chính sách thêm”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)