Vietstock - Chính phủ thúc thực hiện một cửa quốc gia
Trong chỉ thị mới nhất được ký hôm 29-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành có liên quan phải đẩy nhanh việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Các bộ, ngành cũng sẽ được giám sát, kiểm tra việc thực hiện này.
Trong đó, các bộ, ngành phải rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các thủ tục hành chính để phục vụ việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực và tài chính cũng cần phải đảm bảo để thực hiện cơ chế này.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành triển khai đầy đủ nội dung và nhiệm vụ của Quyết định 2026 năm 2015 về việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng xuất nhập khẩu.
Các nhiệm vụ được tiếp tục nhấn mạnh là áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra; đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan, chuyển mạnh sang hậu kiểm…
Thủ tướng cũng ra hạn chót để Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ngành liên quan củng cố hoạt động của cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Đó là tháng 12-2017.
Ủy ban này được thành lập hồi giữa tháng 10-2016 và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng ban.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng phải hoàn thiện khung pháp lý để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục, cho phép kết nối và trao chứng từ điện tử với đối tác thương mại quốc tế vào tháng 12-2017.
Còn trong tháng 10-2017, các Bộ Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Giao thông vận tải và Thông tin – Truyền thông phải rà soát và ban hành danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên nganh tại khâu thông quan.
Nguyên tắc là đảm bảo thống nhất, không chồng chéo, kiểm tra ít.
Thủ tướng cũng yêu cầu, định kỳ 6 tháng, các bộ ngành phải báo cáo tình hình, kết quả thực hiện những chỉ đạo vừa nêu cho Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính để đơn vị này tổng hợp, trình lãnh đạo Chính phủ.
Không chỉ vậy, Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại có trách nhiệm đôn đốc kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này.
Tương tự, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cũng phải tham gia vào việc giám sát việc thực hiện chỉ thị này của các đơn vị trên địa bàn.
Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ có chỉ đạo liên quan đến đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành hay xúc tiến Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
Trong thời gian qua, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN của một số bộ ngành được đánh giá là chậm, thiếu quyết liệt.
Trong khi đó thì công tác kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp, chồng chéo… Thực tế này đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, gia tăng chi phí…