Vietstock - Sau IPO, Hapro sẽ lên sàn
Hapro đã được cấp mã chứng khoán HTM để phục vụ việc lên sàn UPCoM ngay sau khi có kết quả IPO và sẽ lên sàn niêm yết khi đủ điều kiện...
Tổng giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn
|
Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sẽ tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 76 triệu cổ phần (chiếm 34,51% vốn điều lệ) với giá khởi điểm là 12.800 đồng/cổ phần vào ngày 30/03/2018.
Với việc đã chọn xong cổ đông chiến lược với tỷ lệ sở hữu lên tới 65% vốn điều lệ, phiên IPO của Hapro liệu có bớt đi sự sôi động? trả lời cầu hỏi này, Tổng giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn khẳng định rằng: đợt IPO này sẽ thu hút nhà đầu tư quan tâm đến hoạt động đầu tư ổn định, bền vững lâu dài, không kỳ vọng lợi nhuận cao nhưng ổn định.
Tại sao Hapro lại chọn thời điểm này để thực hiện IPO, thưa ông?
Việc thực hiện IPO Công ty mẹ - Hapro vào thời điểm này phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất, lộ trình thực hiện IPO nằm trong phương án cổ phần hoá đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2017.
Thứ hai, thời điểm này được đánh giá là khá thuận lợi bởi thị trường chứng khoán đang khởi sắc, nhà đầu tư đang trong tâm trạng hưng phấn, các cơ hội IPO vì thế cũng thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của thị trường.
Với những lý do như vậy, tôi tin là đợt IPO của Hapro sẽ thuận lợi và thành công.
Thông thường các đợt IPO doanh nghiệp lớn đều roadshow để quảng bá và tìm nhà đầu tư. Trong khi đó, Hapro lại không. Ông có nghĩ điều này sẽ làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng?
Thực ra trong quá trình triển khai công bố thông tin cho đợt IPO, chúng tôi cũng suy nghĩ đến roadshow. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi đã quyết định: thay vì làm roadshow, chúng tôi sẽ tổ chức thật tốt việc công khai tất cả thông tin về Hapro trong bản cáo bạch và chuẩn bị thật kỹ bằng ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh, để làm sao thị trường và nhà đầu tư có thể tiếp cận được nhiều nhất và hiệu quả nhất toàn cảnh hoạt động của Hapro trước và sau khi cổ phần hoá.
Quan điểm của Ban chỉ đạo cổ phần hoá Hapro cũng khẳng định: thông tin cần được nêu cụ thể và kỹ lưỡng, để nhà đầu tư quan tâm sẽ hiểu rõ thế mạnh và khó khăn, thậm chí là hạn chế của Hapro. Về mặt thị trường, chúng tôi hiểu rằng: công chúng đầu tư rất cần hiểu đơn vị mà mình sắp bỏ tiền đầu tư một cách tổng quát như vậy.
Sau khi công bố thông tin, qua phản hồi từ nhiều kênh (62 công ty làm đại lý trên toàn quốc, điện thoại và trực tiếp đến công ty), chúng tôi mừng là: đợt IPO của Hapro được thị trường rất quan tâm và có những phản hồi tích cực.
Nhờ đọc được thông tin công bố, nhiều đối tác của chúng tôi ở nước ngoài đã gọi điện thoại chúc mừng và bày tỏ sự quan tâm đến cơ hội này. Và ngay trong trung tuần của tháng 3 vừa qua, nhiều nhóm đầu tư cũng đã đặt lịch đến tiếp xúc và làm việc với ban lãnh đạo của Hapro.
Là một đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu lớn nhất của Hà Nội nhưng Hapro được biết đến nhiều hơn với lợi thế đất vàng, thưa ông?
Tôi thừa nhận rằng Hapro có những lợi thế về các địa điểm kinh doanh, song địa điểm là yếu tố cần thiết cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là với các đơn vị có hệ thống bán lẻ và phân phối nội địa như Hapro. Nhưng địa điểm không phải là yếu tố quyết định mà chỉ là một trong những điều kiện để doanh nghiệp phát triển mà thôi.
Hoạt động của Hapro là hoạt động của một doanh nghiệp thương mại lớn trên địa bàn Thủ đô với 2 ngành nghề chính: xuất khẩu và thương mại nội địa. Riêng lĩnh vực xuất khẩu, chúng tôi đã vươn ra hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, xuất khẩu nhiều sản phẩm chủ lực vốn là thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủ công mỹ nghệ…
Còn trong nước, Hapro được biết đến là một doanh nghiệp có hệ thống bán buôn, bán lẻ và sản xuất một số mặt hàng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Chúng tôi cũng có hệ thống dịch vụ như: nhà hàng ăn uống mang 2 thương hiệu rất thân quen đối với người Hà Nội, đó là Thuỷ Tạ và Bốn Mùa.
Chúng tôi tin tưởng rằng, đặc thù ngành nghề thương mại - hoạt động cốt lõi và tạo nên giá trị cho Hapro sẽ là điểm thu hút đối với các nhà đầu tư có chiến lược làm ăn lâu dài, kỳ vọng lợi nhuận bền vững, ổn định.
Cùng với đó, chúng tôi cũng có chiến lược phát triển rất rõ ràng, đầy tiềm năng đó là đẩy mạnh thị trường xuất khẩu lên hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực. Các thị trường trọng điểm mà Hapro đang nhắm đến hiện nay như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ. Đồng thời tiếp tục phát triển mạnh mẽ thương mại nội địa với thương hiệu Hapro Mart là cốt lõi.
Theo Quyết định số 502/QĐ-UBND ngày 26/1, UBND Tp. Hà Nội đã phê duyệt việc lựa chọn và bán 65% cổ phần Hapro cho nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa Hapro là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco). Liệu với sự tham gia của cổ đông chiến lược này, các nhà đầu tư tổ chức khác sẽ không còn quan tâm nữa và ảnh hưởng đến kết quả của IPO, thưa ông?
Tôi cho rằng phương án bán toàn bộ phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là một trong những điều hấp dẫn của Hapro khi cổ phần hoá bởi hầu hết các nhà đầu tư tỏ ra ít quan tâm hơn khi một doanh nghiệp vẫn còn giữ vốn nhà nước trên chi phối hoặc một tỷ lệ nào đó.
Cổ phần hoá gắn liền với việc tái cơ cấu doanh nghiệp. Nhưng nếu muốn tái cơ cấu triệt để thì nhất thiết phải hoạt động đúng mô hình công ty cổ phần, trong đó nhà nước có thể không nắm giữ vốn tại những doanh nghiệp kinh doanh thương mại như Hapro. Có như vậy, hội đồng quản trị của công ty cổ phần mới có thể áp dụng các giải pháp về quản trị, điều hành sát hơn với thị trường, tái cơ cấu một cách triệt để được.
Ngược lại, nếu nhà nước vẫn giữ cổ phần thì nhà đầu tư ít nhiều cũng lo ngại. Họ cho rằng cơ cấu như vậy chưa phải là triệt để và rồi doanh nghiệp sẽ khó có sức bật. Chính vì tâm lý đó, đợt thoái toàn bộ vốn nhà nước này của Hapro cũng chính là điểm hấp dẫn hút nhà đầu tư.
Mặt khác, trong số các doanh nghiệp nhà nước sẽ IPO và thoái vốn trong năm 2018, chúng ta có thể thấy ngành nghề rất đa dạng, nhưng đối với hoạt động thương mại bao gồm cả quốc tế và nội địa thì chỉ có mỗi Hapro. Thế nên có thể nói chúng tôi có lợi thế mang tính cá biệt.
Tất nhiên, thương mại có đặc thù. Tuy rằng lợi nhuận không phải là cao so với nhiều ngành khác nhưng nó lại là ngành cần thiết và sinh lời hàng ngày. Dòng tiền thu về từ hoạt động thương mại đều đều, lợi nhuận ổn định. Chính vì vậy, có thời kỳ kinh tế khó khăn, lợi nhuận một số ngành giảm sút, dòng tiền mặt khó khăn thì hoạt động thương mại vẫn diễn ra ổn định.
Chính vì những lẽ đó, tôi tin là đợt IPO chúng tôi sẽ thu hút nhà đầu tư quan tâm đến hoạt động đầu tư ổn định, bền vững lâu dài, không kỳ vọng lợi nhuận cao nhưng ổn định.
Ông kỳ vọng gì vào cổ đông chiến lược Vinamco?
Nhà đầu tư chiến lược hiện nay của Hapro đã được UBND Tp. Hà Nội phê duyệt là đơn vị có năng lực tài chính, có ngành nghề kinh doanh thương mại quốc tế và nội địa phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của Hapro. Với nhà đầu tư chiến lược, chúng tôi kỳ vọng rất lớn bởi họ có năng lực và hội tụ đầy đủ điều kiện mà Ban chỉ đạo cổ phần hoá Hapro đặt ra.
Khi tìm được nhà đầu tư chiến lược mạnh, có khả năng dẫn dắt Tổng công ty thì kỳ vọng hiệu quả hoạt động Tổng công ty sau cổ phần là rất lớn. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp cho các nhà đầu tư khác yên tâm đầu tư vào Hapro.
Sau khi IPO thành công, bước tiếp theo trong lộ trình cổ phần hoá của Hapro sẽ là vào sàn UPCoM và xa hơn sàn niêm yết HOSE hay HNX, thưa ông?
Nghị định 126/2017 vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 quy định, khi lập hồ sơ IPO, doanh nghiệp phải đồng thời lập hồ sơ đăng ký lưu ký và hồ sơ đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán (nếu đủ điều kiện). Trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc IPO, doanh nghiệp phải hoàn tất thủ tục đăng ký lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký và đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Ngày 7/3/2018, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã cấp mã chứng khoán HTM cho Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) để phục vụ việc lên sàn UPCoM ngay sau khi có kết quả IPO. Trong tương lai, chắc chắn Hapro sẽ lên sàn niêm yết khi đủ điều kiện.
HOÀNG NAM