Vietstock - Phe “bò” mất hết hy vọng sau làn sóng bán tháo
Mức định giá rẻ cũng chẳng thể cản làn sóng bán tháo. Giọng điệu mềm mỏng hơn của Jerome Powell (Chủ tịch Fed) cũng chẳng thể xoa dịu nỗi lòng của bất kỳ ai. Thỏa thuận về thuế quan là một ký ức dần phai nhạt và giờ thì biểu đồ vững chắc nhất trong năm cũng có nguy cơ bị lay lắc.
Làn sóng bán tháo chứng khoán mà giới đầu giá lên tưởng là đã kết thúc vào 3 thời điểm khác nhau kể từ tháng 10/2018 giờ lại rơi vào giai đoạn mới và đáng ngại hơn cả. Trong đó, Dow Jones rớt 1,004 điểm chỉ trong 2 ngày. Chẳng còn thấy hiệu ứng “Santa Claus Rally” đâu nữa. Thay vào đó, chỉ số S&P 500 sắp ghi nhận tháng 12 tồi tệ thứ hai trong lịch sử.
“Thị trường chứng khoán không quan tâm tới những gì đang có vẻ tốt tại thời điểm này. Họ đang tự hỏi liệu các yếu tố cơ bản sẽ tồi tệ hơn trong tương lai hay không”, Peter Mallouk, Giám đốc đầu tư tại quỹ Creative Planning – vốn quản lý 36 tỷ USD tài sản, cho hay. “Quá nhiều người đang sợ hãi và đứng ngoài thị trường chờ đến khi bán tháo kết thúc”.
Chờ đợi bán tháo kết thúc có vẻ như là chiến lược khả thi duy nhất hiện nay. Trong ngày thứ Hai (17/12), chỉ số S&P 500 tích tắc thủng ngưỡng được xem là cột mốc tâm lý quan trọng trong 10 tháng qua, mức đáy trong phiên từ ngày 09/02/2018. Mức định giá ngày càng giảm – cổ phiếu máy tính và phần mềm được giao dịch ở mức 15 lần so với ước tính lợi nhuận của năm tới, rẻ hơn nhóm tiện ích và công ty xà phòng – và làn sóng bán tháo sẽ chỉ có tồi tệ hơn.
Với mức giảm 54 điểm trong ngày thứ Hai (17/12), chỉ số S&P 500 giờ đã rớt 2% khoảng 6 lần trong quý này. Chỉ số Nasdaq Composite thì rớt 2% khoảng 10 lần. Đây đều là con số cao nhất kể từ quý 3/2011.
Việc chỉ ra một nguyên nhân duy nhất dẫn tới phiên “đẫm máu” hôm thứ Hai (17/12) dần trở nên vô lý, trong đó các chuyên viên phân tích đưa ra hàng loạt lý do bao gồm thương mại, dữ liệu kinh tế ảm đạm hơn dự báo từ Trung Quốc, đà tụt dốc của giá dầu và giá nhà ở hạ nhiệt. Bất kỳ ai dám dự báo tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại trong năm 2019 đều được chỉ tới những biểu đồ cho thấy các nhà máy, tình trạng nhân công và lợi nhuận đang bùng nổ - nhưng những lời an ủi đó chẳng còn ai lắng nghe nữa.
Mặc dù các hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 ám chỉ khả năng phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch châu Á trong ngày thứ Ba (18/12), có lúc tăng 0.5%, các trader vẫn tỏ ra thận trọng.
Nhà đầu tư “quá lo ngại, nhưng đó là yếu tố chi phối đằng sau đà giảm mà chúng ta chứng kiến gần đây, nỗi lo ngại về tăng trưởng của Mỹ và nỗi lo về tăng trưởng toàn cầu”, Kate Warne, Chiến lược gia đầu tư tại Edward Jones, cho hay. “Nhà đầu tư rất lo ngại về những thay đổi mà chúng tôi nhận thấy ở phía trước và chúng tôi không chắc chắn về tác động của chúng”.
Một tín hiệu cảnh báo cho người Mỹ: Thị trường chứng khoán Mỹ lần này giảm mạnh hơn so với các thị trường nước nàoi. Mọi năm trước, thị trường chứng khoán nước ngoài đều có vẻ tệ hơn, vậy mà nay chứng khoán Mỹ lại rơi vào thế khó khăn hơn. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 bước vào thị trường con gấu trong ngày thứ Hai (17/12), lao dốc 21% so với thời điểm ngày 31/08/2018.
Mặt khác, kể từ khi chạm đáy 19 tháng vào cuối tháng 10/2018, chỉ số MSCI Emerging Markets Index chỉ có tăng, ngay khi S&P 500 tạo đáy mới. Chứng khoán thuộc chỉ số này đã có thành quả vượt trội hơn S&P 500 trong 3 tuần liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ cuối tháng 1/2018, dữ liệu từ Bloomberg cho thấy.
Để an ủi bản thân khi phải đối mặt với sự thật đáng buồn như thế này, những nhà đầu tư "bị vùi dập" có thể nhìn vào các đợt điều chỉnh trong quá khứ thì mới thấy được đợt điều chỉnh này diễn ra không quá dữ dội. Theo những gì xảy ra năm 2009, thị trường phải trải qua 100 ngày chán nản trước khi dòng tiền bắt đáy trở lại và đưa mọi thứ về với quỹ đạo.
Số lượng người bán nhiều hơn số lượng người mua bao nhiêu trong ngày thứ Hai (17/12)? Khối lượng cổ phiếu bị bán ra trên sàn NYSE đạt 1 tỷ cổ phiếu, trong khi chỉ có 158 triệu cp được mua vào. Chênh lệch về khối lượng giao dịch giữa mua và bán (833 triệu cp) có lẽ là cao nhất kể từ năm 2016, dựa trên dữ liệu từ Bloomberg.
Chuỗi bán tháo hai ngày tồi tệ nhất của chứng khoán Mỹ kể từ tháng 10 xuất hiện vào lúc Chủ tịch Fed Powell được cho là sẽ nâng lãi xuất trong lần này, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ 9 của Fed trong chu kỳ này. Ông Powell đã dùng không còn đưa ra những tuyên bố diều hâu, thay vào đó là một giọng điệu khá mềm mỏng, nhưng chẳng ai nghĩ Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ ngay cả khi tăng trưởng kinh tế và thu nhập giảm tốc.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)