Vietstock - Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường vi phạm pháp luật trong vụ Con Cưng
Hai lãnh đạo của Cục Quản lý thị trường bị chỉ ra vi phạm pháp luật và quy định của Bộ Công Thương trong vụ rà soát Con Cưng. Hình thức xử lý sẽ do lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét.
Chiều 4/10, Bộ Công Thương chính thức công bố kết luận việc rà soát, kiểm tra đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty cổ phần Con Cưng của Cục Quản lý thị trường và đánh giá hoạt động của Đoàn kiểm tra thành lập theo Quyết định số 2611 của Bộ Công Thương.
Kết luận được Bộ này thông qua vào ngày 3/10 và chậm hơn dự kiến gần một tháng. Trước đó, vào giữa tháng 8, Bộ Công Thương công bố kết luận kiểm tra Công ty Con Cưng và cũng thành lập tổ công tác rà soát quy trình thực thi pháp luật của cơ quan chức năng tại doanh nghiệp này.
Theo Bộ Công Thương, ưu điểm của cơ quan chức năng là đã kịp thời xử lý thông tin từ báo chí, đơn thư của người tiêu dùng về Công ty cổ phần Con Cưng. Cục Quản lý thị trường đã kịp thời xử lý, chỉ đạo 29 Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiến hành thẩm tra xác minh, kiểm tra Con Cưng theo đúng quy định của pháp luật.
Hai lãnh đạo Cục Quản lý thị trường bị chỉ ra vi phạm pháp luật trong vụ Con Cưng. Ảnh: Lê Quân.
|
Qua việc chỉ đạo các chi cục tỉnh, thành phố kiểm tra đã phát hiện một số hành vi không chấp hành đúng quy định pháp luật của Con Cưng. Căn cứ Kết luận kiểm tra, Cục Quản lý thị trường đã xử phạt Con Cưng 250 triệu đồng.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng chỉ ra khuyết điểm của quản lý thị trường khi thực thi pháp luật. Theo đó, trong quá trình thực hiện các hoạt động kiểm tra, các công chức lãnh đạo Cục Quản lý thị trường là ông Nguyễn Trọng Tín và Trần Hùng (đều là Phó cục trưởng) có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật và của Bộ Công Thương về phát ngôn.
Việc vi phạm này làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương, gây ra những hiệu ứng không tốt, hiểu sai, hiểu chưa đúng bản chất sự việc trong dư luận xã hội cũng như gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
“Một số thông tin cung cấp cho báo chí chưa thật sự chính xác đã gây thắc mắc cho người tiêu dùng về số lượng hành vi/tên hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Việc này cần phải được khắc phục, sửa chữa ngay và rút kinh nghiệm nghiêm túc trong hoạt động công vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường”, kết luận của Bộ Công Thương nêu.
Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh công tác chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra của Cục Quản lý thị trường trên diện rộng tại TP.HCM và 28 tỉnh còn chưa chặt chẽ và chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Cần rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo kiểm tra của đơn vị này.
Về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của 2 Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường đã chủ động báo cáo lãnh đạo bộ để chấn chỉnh nhưng chưa thực sự kịp thời, cần xem xét, kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương kiến nghị Ban cán sự đảng Bộ Công Thương thông báo Đảng ủy Bộ Công Thương về các dấu hiệu vi phạm của các đảng viên trong thực thi công vụ theo quy chế phối hợp để xem xét xử lý về đảng đối với hai ông Nguyễn Trọng Tín và Trần Hùng.
Đối với Bộ Công Thương, đoàn kiểm tra kiến nghị giao Vụ Tổ chức cán bộ trình lãnh đạo Bộ về trình tự thủ tục xem xét xử lý cán bộ công chức có dấu hiệu vi phạm theo các quy định của pháp luật đối với ông Nguyễn Trọng Tín và ông Trần Hùng.
Giao Vụ Tổ chức cán bộ trình lãnh đạo bộ tổ chức họp rút kinh nghiệm đối với ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, người đứng đầu cơ quan về trách nhiệm quản lý, chỉ đạo.
Tổ kiểm tra rà soát cũng kiến nghị giao Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý cán bộ, nâng cao trình độ nghiệp vụ và đạo đức, tác phong văn hóa giao tiếp của đội ngũ lãnh đạo, công chức quản lý thị trường, đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật và các quy định của Bộ Công Thương.
Đơn vị này cũng kiến nghị cần rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai kiểm tra trên diện rộng, có biện pháp khắc phục ngay những tồn tại, bất cập trong quy trình tác nghiệp để không gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ.
Hiếu Công