Vietstock - Đàm phán thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng tới giá dầu thế nào?
Kết quả đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong tuần này sẽ đóng vai trò chính trong việc xác định xu hướng giá dầu sắp tới.
Giá dầu đã tăng liền 6 phiên , hồi phục trở lại sau khi rơi xuống mức đáy 1 năm rưỡi trong tháng trước. Giá dầu thô đã rớt hơn 40% trong giai đoạn đầu tháng 10/2018 cho tới cuối tháng 12/2018 vì nỗi lo ngại về đà giảm tốc kinh tế và tình trạng dư cung trên thị trường dầu.
Amrita Sen, Trưởng bộ phận phân tích giá dầu tại công ty nghiên cứu Energy Aspects, cho rằng các hợp đồng dầu thô tương lai vẫn còn khả năng tăng giá, nhưng đà hồi phục sẽ hơi rung lắc.
“Tôi nghĩ, miễn là nền kinh tế toàn cầu không giảm tốc mạnh, giá dầu có khả năng tăng lên cao hơn một chút, nhưng đà hồi phục sẽ rất mong manh vì mối bất ổn lớn nhất hiện nay là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung”, cô cho biết trong ngày thứ Hai (07/01).
Các đại diện thương mại Mỹ và Trung Quốc đang họp mặt trong ngày thứ Hai và thứ Ba (08/01) để bàn luận về con đường giải quyết xung đột thương mại giữa hai bên. Washington và Bắc Kinh đã áp thêm thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa lẫn nhau. Tính tới nay, tổng giá trị hàng hóa bị áp thêm thuế lên tới 360 tỷ USD.
Việc áp thêm hàng rào thuế quan sẽ gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu và từ đó, làm giảm nhu cầu dầu và nhiên liệu trong bối cảnh những chuyên gia dự báo cho rằng nhu cầu dầu sẽ tăng trưởng chậm hơn dự báo trong năm 2019.
Theo Sen, giá dầu đã giảm quá xa và quá nhanh, chủ yếu là do các yếu tố kỹ thuật như chiến lược giao dịch tự động. Về mặt cung, các đợt cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồngm inh sẽ giúp giá dầu hồi phục, cô cho hay. Việc thị trường có rơi vào tình trạng dư cung hay không sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu dầu.
“Tại mức hiện nay, dựa trên những yếu tố cơ bản, thị trường đang bị quá bán”, Sen cho biết. “Nhưng điều này không có nghĩa là thị trường sẽ điều chỉnh ngay lập tức, đúng không? Có thể cần thời gian để nó diễn ra, trừ khi và cho tới khi nào có sự rõ ràng, nhất là về các cuộc đàm phán Mỹ-Trung trong ngày hôm nay và ngày mai”.
Yếu tố chi phối chính đối với giá dầu hiện nay là diễn biến của thị trường tài chính toàn cầu và nền kinh tế, Vandana Hari, Sáng lập viên của công ty tư vấn thị trường năng lượng Vanda Insights, cho hay. Việc OPEC và các đồng minh, bao gồm cả Nga, có tuân theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không chỉ là mối lo ngại thứ yếu, theo quan điểm của cô Hari.
Trong vài ngày tới, giá dầu có thể sẽ chờ tin từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, Hari cho biết. Thế nhưng, cô cũng kỳ vọng tâm lý về các cuộc đàm phán hiện nay và mối quan ngại về kinh tế cơ bản sẽ dẫn dắt giá dầu trong vài tháng kế tiếp.
“Từ góc nhìn thị trường dầu, điều cần nhờ là môi trường hiện nay biến động rất thất thường”, cô nói trên chương trình “Squawk Box” trong ngày thứ Hai (07/01).
“Ngày hôm nay (07/01) và ngày mai (08/01) là những ngày đàm phán đầu tiên của năm nay, nhưng sau đó họ có thể tiếp tục đàm phán. Chẳng ai kỳ vọng sẽ có một bước độ phá to lớn hoặc một giải pháp toàn diện để giải quyết xung đột thương mại trong thời gian tới”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)