Vietstock - Thị trường chứng khoán đang lấy đà để bứt phá?
Nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhân tố, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tích cực trong thời gian tới. Song, theo bà Lê Thu Hà, Trưởng nhóm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường CTCK Vietcombank (VCBS), thị trường cần phải có thời gian chuẩn bị trước khi có thể tăng trưởng mạnh.
Theo bà Hà, các yếu tố vĩ mô hiện tại vẫn đang hỗ trợ khá tốt cho tăng trưởng chung của thị trường. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 1 sẽ cải thiện so với cùng kỳ (dự báo ở mức 5.6-5.7%). CPI tăng mạnh trong tháng 2 chủ yếu vì tác động của yếu tố thời vụ do đó chưa tạo áp lực lớn. Các chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất vẫn được duy trì ổn định. Song song, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh định hướng cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Sau 5 thương vụ IPO lớn trong 2 tháng đầu năm, quá trình niêm yết và tìm nhà đầu tư chiến lược tiếp tục được đẩy nhanh.
Ở chiều ngược lại, lo ngại nếu có sẽ là thời điểm áp dụng tỷ lệ margin mới sau đợt tạm hoãn vào tháng 3. Tuy khả năng không cao, nhà đầu tư vẫn nên chú ý tới động thái rút vốn chốt lời của dòng vốn nóng từ nhà đầu tư ngoại.
Bên cạnh đó, bà Hà cũng lưu tâm các rủi ro hệ thống không thể dự báo trước đến từ biến động khó lường của thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là từ Mỹ. Trong cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 20-21/03 sắp tới, nhiều khả năng Fed sẽ tiến hành ngay 1 lần điều chỉnh lãi suất.
Nhìn chung, thị trường vẫn đang giữ được xu hướng tăng trưởng tốt. Trong đó, một số cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn như nhóm ngân hàng – tài chính đã tăng khá mạnh với mức tăng tương đối vượt trội so với chỉ số chung cũng như phần còn lại của thị trường. Mặc dù vậy, động thái chung của nhà đầu tư kể từ sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch vẫn chủ yếu là thận trọng trong việc giải ngân, thể hiện ở khối lượng giao dịch tương đối thấp so với tháng đầu năm. Do vậy, bà Hà nghiêng về kịch bản chỉ số cần thêm thời gian để tích lũy và tạo mặt bằng giá mới ổn định trước khi có thể tiếp tục bứt phá. Theo đó, đà tăng chỉ số có thể sẽ vẫn tiếp diễn nhưng với tốc độ chậm hơn rõ rệt so với những tháng trước.
Đứng từ góc độ vĩ mô và dòng tiền, bà Hà đánh giá chưa thấy các nhân tố đủ lớn và mạnh để làm thay đổi xu hướng tăng trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, trên thị trường luôn có những giai đoạn chỉ số có thể chịu áp lực điều chỉnh hoặc đi vào vùng tích lũy trước khi hình thành mặt bằng giá. Đối với những giai đoạn này điều quan trọng là nhà đầu tư cần cảm nhận được sự dịch chuyển của dòng tiền giữa các nhóm ngành, nhóm cổ phiếu từ đó đưa ra các quyết định hợp lý nhằm mục tiêu tối đa hóa hiệu quả đầu tư.
Xem xét nhóm ngân hàng và dầu khí, bà Hà nhận định đây là các ngành có khả năng dẫn dắt cũng như có ảnh hưởng nhất định đối với chỉ số.
Theo đó, rất nhiều ngân hàng vẫn còn dư dịa tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận trong bối cảnh quá trình xử lý nợ xấu có những chuyển biến đáng kể trong năm qua. Tuy nhiên, đối với nhóm này, nhà đầu tư cần lưu tâm tới sự khác nhau giữa mô hình hoạt động của các ngân hàng “truyền thống” như VCB, BID, CTG với các ngân hàng mới niêm yết trong giai đoạn gần đây như VPB hay HDB với mảng hoạt động nổi bật là tín dụng tiêu dùng.
Về phía ngành dầu khí, nhà đầu tư nên lưu tâm đến diễn biến giá dầu thế giới. Ở thời điểm này, nhà đầu tư nên ưu tiên dành sự chú ý tới nhóm hạ nguồn, tương ứng là các cổ phiếu thuộc nhóm ngành phân phối, chế biến và dịch vụ dầu khí,…
Chí Kiên