Vietstock - Chính sách tiền tệ lại gánh cho tăng trưởng
Khi chính sách tài khóa không có sự hỗ trợ tốt, áp lực tăng trưởng GDP sẽ đặt nhiều gánh nặng hơn lên vai chính sách tiền tệ. Do vậy, sẽ không ngạc nhiên nếu tín dụng của các ngân hàng tiếp tục tăng nhanh trong hai quí cuối năm. Vấn đề còn lại là ngoài tín dụng tăng thì lãi suất cho vay có giảm được không?
Kịch bản nào nếu tín dụng tiếp tục tăng nhanh?
Trong vòng năm năm trở lại đây, hiếm có năm nào mà tín dụng đã cho những tín hiệu khởi sắc rõ rệt ngay từ thời điểm đầu năm như 2017. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25-5 đạt mức 6,53% (tăng 0,77% so với cuối tháng 4 và cũng cao hơn mức 5,22% của cùng kỳ năm 2016).
Trong những cuộc họp từ cuối năm ngoái, NHNN đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) phải xem xét đẩy mạnh vốn cho vay hỗ trợ nền kinh tế trải đều ra các tháng, tránh tình trạng chỉ tập trung dồn vốn cho các tháng cuối năm. Thêm vào đó, bản thân một số ngân hàng sau khi đã tạm “yên tâm” với việc xử lý nợ xấu trong năm 2016 cũng mạnh dạn tăng cường cho vay trở lại nhằm tăng thị phần cũng như tăng doanh thu, lợi nhuận.
Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy nhiều ngân hàng tính đến hết quí 1 có dư nợ cho vay vượt khá xa mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống như: VietinBank tín dụng tăng 5,6% so với cuối năm ngoái; Vietcombank tăng hơn 8% so với cùng kỳ 2016; VIB tăng 5,7%...
Câu hỏi đặt ra là nếu tín dụng duy trì đà tăng nhanh như hiện tại thì liệu mức trần tín dụng (18% cho năm nay) có bị vượt qua và nếu vượt qua thì NHNN sẽ xử lý như thế nào?
Kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra khi xét theo yếu tố mùa vụ thì các năm gần đây, dư nợ tín dụng trong hai quí cuối năm luôn có mức tăng vượt trội (thậm chí đạt hơn 2-3% trong các tháng 11 và 12). Đối với các NHTM đã cho vay nhiều trong năm tháng đầu năm sẽ đối mặt với hai khả năng. Một là sẽ phải xem xét hãm bớt đà tăng trưởng, siết lại hoạt động cho vay trong ba quí còn lại để vẫn nằm trong chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN chấp thuận từ đầu năm (đặc biệt đối với nhóm các ngân hàng tốp đầu có quy mô cho vay lớn).
Hai là các ngân hàng này có thể sẽ xin NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên một mức cao hơn. Khả năng thứ hai sẽ cần có hai điều kiện: i) chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung cần được nới lên một mức cao hơn mới cho phép các ngân hàng vượt hạn mức đã được cấp từ đầu năm (nhất là các ngân hàng có dư nợ lớn, chỉ cần nhóm này tăng vượt chỉ tiêu là có thể ảnh hưởng mạnh đến mức tăng chung của toàn hệ thống); ii) NHNN có thể sẽ chỉ xem xét cấp thêm hạn mức tín dụng cho những ngân hàng nào kiểm soát được chất lượng các khoản vay và có tỷ lệ nợ xấu thấp. Do vậy, hiện tượng phân hóa sẽ diễn ra và không phải các ngân hàng muốn cho vay bao nhiêu cũng được.
Thêm thuận lợi để nới lỏng chính sách tiền tệ
Tín dụng tăng thì lãi suất cho vay có giảm được không? Câu hỏi này không chỉ phụ thuộc vào lượng cung tiền của NHNN mà còn liên quan đến một biến số khác. Đó là liệu tiến trình xử lý nợ xấu có được thúc đẩy nhanh hơn nhằm giảm áp lực trích lập dự phòng để hạ chi phí vốn hay không? |
Nhìn tổng thể, diễn biến kinh tế vĩ mô đang có những điều kiện thuận lợi để NHNN tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. NHNN đã liên tục kêu gọi các NHTM phải giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng thông điệp này khó được thực thi trong ba tháng đầu năm nay do vướng rủi ro lạm phát. Thậm chí, một làn sóng tăng lãi suất huy động và phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao của một số ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa đã xuất hiện hồi giữa tháng 3, đầu tháng 4 còn mang đến lo ngại về việc lãi suất cho vay sẽ tăng trở lại. Rất may là làn sóng này hiện đã lắng dịu do các NHTM tăng lãi suất lúc đó chủ yếu nhằm đối phó với quy định của Thông tư 06 về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50%.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dưới sáu tháng phổ biến ở mức 4,8-5,4%/năm; kỳ hạn 6-12 tháng phổ biến từ 5,6-6,7%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,7-7,6%/năm. Thêm vào đó, một yếu tố mới xuất hiện hỗ trợ cho xu hướng lãi suất và chính sách tiền tệ nới lỏng chính là lạm phát bất ngờ hạ nhiệt nhanh trong tháng 5. Chỉ số CPI giảm mạnh 0,53% trong tháng vừa qua đã khiến lạm phát (so với cùng kỳ năm trước) giảm từ mức 4,3% vào thời điểm cuối tháng 4 xuống còn 3,19%. Theo đó, kỳ vọng về lạm phát cũng được kéo xuống quanh mức 3,5% cho cả năm 2017. Ngoài ra, diễn biến tỷ giá trong năm tháng vừa qua cũng rất ổn định. Trong khi tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh qua từng ngày và hiện đạt mức tăng khoảng 1% thì tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá niêm yết tại các NHTM lại có xu hướng giảm nhẹ (khoảng 0,2%) so với cuối năm ngoái bất chấp thông tin về nhập siêu và lộ trình tăng lãi suất đồng đô la của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Khi rủi ro về lạm phát và tỷ giá không còn quá lớn, NHNN có thể sẽ xem xét nới trần tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống trong năm nay thêm khoảng 1-2%, lên mức 19-20%. Tổng phương tiện thanh toán M2 theo đó có thể cũng sẽ ở mức 18-19%. Áp lực nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng càng lớn hơn nếu đặt trong bối cảnh Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu GDP đạt mức tăng 6,7% và chính sách tài khóa đang có vướng mắc nhất định trong việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15-5, chi cho đầu tư phát triển mới đạt 72.400 tỉ đồng, bằng 20,3% dự toán năm trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này là 25%. Khi chính sách tài khóa không có sự hỗ trợ tốt, tăng trưởng sẽ đặt nhiều gánh nặng hơn lên vai chính sách tiền tệ. Do vậy, sẽ không ngạc nhiên nếu tín dụng của các ngân hàng tiếp tục tăng nhanh trong hai quí cuối năm. Vấn đề còn lại là ngoài tín dụng tăng thì lãi suất cho vay có giảm được không? Câu hỏi này không chỉ phụ thuộc vào lượng cung tiền của NHNN mà còn liên quan đến một biến số khác. Đó là liệu tiến trình xử lý nợ xấu có được thúc đẩy nhanh hơn nhằm giảm áp lực trích lập dự phòng cho các NHTM để hạ chi phí vốn hay không?