Vietstock - Cột mốc 3% của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ quan trọng như thế nào với TTCK Mỹ?
Mọi ánh mắt đang hướng về lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trong ngày thứ Hai (23/04), khi nó có thể sắp đạt tới ngưỡng 3% – một mức được cho là khiến nhiều nhà đầu tư thấp thỏm lo lắng.
“Cột mốc 3% là ngưỡng tâm lý khá quan trọng đối với nhà đầu tư và do đó đã thu hút rất nhiều sự chú ý”, ông Roger Jones, Trưởng Bộ phận Cổ phiếu tại London & Capital, chia sẻ với hãng tin CNBC thông qua thư điện tử.
Thật vậy, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động ở mức 2.9882% vào lúc 6h20 (giờ ET), tiến gần hơn tới ngưỡng 3% – mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2014.
Trong vài năm gần đây, lợi suất trái phiếu đã trên đà suy giảm nhờ sự hỗ trợ từ các ngân hàng trung ương. Được biết, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nổ ra, các ngân hàng trung ương đã can thiệp vào thị trường trái phiếu để cố gắng vực dậy nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, chính sự can thiệp liên tục và kéo dài đã khiến nhà đầu tư tỏ ra ỷ lại vào sự hỗ trợ của các NHTW và ỷ lại vào lời cam kết rằng các NHTW sẽ xuất hiện trong trường hợp tình hình chuyển biến xấu đi. Nhờ đó, nhà đầu tư tỏ ra tự tin hơn và bỏ nhiều tiền hơn để mua cổ phiếu của các công ty.
Khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chấm dứt xu hướng giảm, nó làm dấy lên lo ngại rằng triển vọng tích cực về các khoản đầu tư cổ phiếu chuẩn bị chấm dứt.
“Không phải là động thái hướng về mức lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 3% (một động thái bất thường), mà là mức lợi suất ở mức thấp kỷ lục trong vài năm gần đây đang phần nào phản ánh vết sẹo dai dẳng do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để lại”, Seamus Mac Gorain, Chuyên gia quản lý danh mục tài sản có thu nhập cố định tại J.P. Morgan Asset Management, cho biết.
“Nền kinh tế toàn cầu hiện khỏe mạnh hơn đã hợp lý hóa mức lợi suất trái phiếu cao hơn. Chúng tôi kỳ vọng lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ khép lại năm 2018 ở phạm vi 3-3.5%”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, trên hết, mốc 3% là một ngưỡng tâm lý quan trọng khiến thị trường lo lắng. Trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm được sử dụng như là tiêu chuẩn cho nhiều công cụ tài chính như các khoản thế chấp và còn là thước đo về sự tự tin của nhà đầu tư.
“Mốc 3% là ngưỡng tâm lý quan trọng... Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chưa bao giờ phá ngưỡng đó kể từ đầu thập niên 80”, Francesco Filia, Tổng Giám đốc của Fasanara Capital, cho hay. “Nếu lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đột phá ngưỡng này một cách gọn gàng và rõ ràng thì điều này sẽ làm dấy lên nỗi lo sợ rằng đà tăng của lợi suất trái phiếu sẽ kéo dài và khá bền”.
Nếu lợi suất tăng trong thời gian dài thì nó sẽ tác động rất nhiều tới những cá nhân và doanh nghiệp. Lãi suất cao hơn đồng nghĩa với việc công ty sẽ phải tốn nhiều chi phí hơn khi đi vay nợ, và cũng có nghĩa là khoản nợ của họ trở nên đắt đỏ hơn. Kết quả là các công ty sẽ có ít cơ hội để nâng lương, để đầu tư vào hoạt động kinh doanh và mang lại mức tỷ suất sinh lời cho cổ đông.
“Lãi suất cao thường tác động tiêu cực tới cổ phiếu”, ông Filia cho hay, đồng thời nói thêm lãi suất càng cao thì sẽ làm gia tăng rủi ro vỡ nợ.
Vì thế, lãi suất cao hơn không những làm cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn mà còn báo hiệu rằng nền kinh tế có thể rơi vào vùng nguy hiểm. Nếu các công ty nhận thấy biên lợi nhuận bị thu hẹp thì họ có thể buộc phải trả ít hơn cho nhân viên, thậm chí là sa thải bớt. Thậm chí, nó còn có thể châm ngòi cho một cuộc suy thoái.
Vũ Hạo (Theo CNBC)