Vietstock - 'Cởi trói' cho các doanh nghiệp hoạt động trên Sở giao dịch hàng hóa
Nhiều điều kiện kinh doanh tại Nghị định mới sẽ tạo điều kiện cho người sản xuất và kinh doanh có thể hoạt động hiệu quả trên Sở giao dịch hàng hóa mà không bị thương lái ép giá.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Đây là một trong những điểm nổi bật được đại diện Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị “Phổ biến Nghị định số 51/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa,” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 9/5, tại Hà Nội.
Giao dịch chủ yếu là cà phê
Luật Thương mại 2005 lần đầu tiên đã đưa quy định về mô hình hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa vào, cùng với đó Nghị định 158/CP đi kèm để hướng dẫn thực hiện luật này.
Theo bà Nguyễn Phương Dung, Trưởng phòng thuộc Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc ra đời Sở giao dịch hàng hóa đã giúp người nông dân giảm thiểu rủi ro cũng như hạn chế được việc được mùa mất giá và đem lại cơ hội đầu tư mới khi kênh đầu tư truyền thống gặp khó khăn.
Hơn nữa, thông qua Sở giao dịch, doanh nghiệp có thể biết giá chuẩn của mặt hàng càphê, cao su theo từng thời điểm để có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong nước và quốc tế.
Tuy vậy, đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng thừa nhận nhiều bất cập sau hơn 10 năm thực hiện mô hình trên, cụ thể là tổng giá trị giao dịch các hợp đồng qua các Sở Giao dịch hàng hóa còn thấp, kể từ khi hoạt động mới đạt giá trị gần 8.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh nhưng chỉ giao dịch được duy nhất mặt hàng càphê, trong khi muốn mở thêm mặt hàng khác thì phải xin phép và mất rất nhiều thời gian.
Đáng chú ý, kể từ khi thực hiện Nghị định 158/CP, Bộ Công Thương mới chỉ cấp phép thành lập được 2 Sở giao dịch là Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam và Sở Giao dịch hàng hóa Info (Hà Nội)
Thừa nhận nhiều bất cập của Nghị định 158/CP, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, thời gian qua, hoạt động của các Sở Giao dịch hàng hóa nhìn chung chưa thực sự sôi động và chưa tương xứng với tiềm năng nền kinh tế nước ta.
Hơn nữa, hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam còn kém phát triển có nguyên nhân chủ yếu từ những hạn chế của hành lang pháp lý.
Cụ thể, là những quy định về vốn pháp định, bằng cấp của Giám đốc, Tổng giám đốc, cơ sở vật chất. Thậm chí, chưa có quy định về mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa tại nước ngoài...
Hội nghị “Phổ biến Nghị định số 51/2018/NĐ-CP" về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
|
Xóa bỏ cơ chế xin cho
Từ những vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Lộc An cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực Sở Giao dịch hàng hóa, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP đã được Bộ Công Thương xây dựng, trình Chính phủ ban hành ngày 9/4/2018 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP đã không còn phù hợp.
Ông Nguyễn Lộc An khẳng định, việc sửa đổi này đã đảm bảo tính kế thừa, phát huy những quy định đã đi vào ổn định và phù hợp với thực tế của các văn bản đã ban hành. Đồng thời tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
Cụ thể hơn, Nghị định 51/CP sẽ cho phép mọi giao dịch qua Sở giao dịch hàng hóa được liên thông với Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài và ngược lại các Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài cũng được phép liên thông và mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam
Như vậy, các nhà đầu tư Việt Nam và các nhà mua bán hàng hóa có thể mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch Việt Nam để giao dịch với nước ngoài, qua đó mở rộng quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
Ví dụ như mặt hàng càphê, hạt tiêu là thế mạnh của Việt Nam trước đây không được phép bán trên sàn quốc tế thì những mặt hàng này chỉ có thể quanh quẩn trong nước, nhưng hiện nay khi liên thông với sàn giao dịch quốc tế, người nông dân sẽ không bị ép giá bởi các thương lái.
Ngoài ra, người sản xuất cũng được lợi vì họ được bảo hiểm giá và thông qua Sở giao dịch, người sản xuất cũng có thể lên sàn để bán trực tiếp sản phẩm của họ.
Lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cũng nhấn mạnh, Nghị định 51/CP ra đời sẽ xóa bỏ cơ chế xin cho mà Nghị định 158/CP trước đây chưa giải quyết được.
Đơn cử trước đây mặt hàng cà phê, bông, thép mỗi lần lên giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa phải xin phép và Bộ Công Thương phải họp, có mặt hàng phải mất 3-4 tháng cũng không cấp được phép, nhưng với nghị định 51/CP những mặt hàng Nhà nước không cấm và không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp được quyền giao dịch mà không phải xin phép.
Bên cạnh đó, Nghị định 51/CP cũng quy định tỷ lệ góp vốn của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên đến 49%. Với quy định này ông An cho biết, sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác, kinh doanh, nhưng vẫn khẳng định được tính tự chủ và việc quản lý của cơ quan nhà nước.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam nhìn nhận, với Nghị định 51/CP, Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn và là tiền đề giúp Sở giao dịch hàng hóa cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro, giao nhận vật chất... từ đó thúc đẩy sự phát triển giao dịch hàng hóa trong nước, nâng cao vị thế hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
"Với việc nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia giao dịch ở Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam được tham gia các Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài sẽ giúp các hoạt động giao dịch hàng hóa Việt Nam phát triển vượt bậc," ông Quỳnh nói thêm.
ĐỨC DUY