Vietstock - Nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng xa rời thị trường chứng khoán
Chứng khoán vẫn còn nằm ở vị trí khá thấp trong danh sách phân bổ tài sản của nhà đầu tư Trung Quốc, còn các quỹ tư nhân đang đóng vai trò lớn hơn trong thị trường quản lý tài sản của quốc gia này. Nhiều chuyên gia dự báo, thị trường quản lý tài sản Trung Quốc sẽ sớm vượt lên vị trí số 2 trên thế giới.
Trong năm 2017, lượng tài sản đang quản lý ở Trung Quốc đại lục tăng trưởng 22% lên 4.2 ngàn tỷ USD, vượt qua mức tăng trưởng 13% của Bắc Mỹ, Boston Consulting Group (BCG) cho biết trong báo cáo tháng 7/2018. Dù vậy, thị trường Bắc Mỹ vẫn là thị trường quản lý tài sản lớn nhất với 37.4 ngàn tỷ USD, còn Trung Quốc tăng từ vị trí thứ 8 lên vị trí thứ 4 chỉ trong vòng 5 năm. Các chuyên viên phân tích kỳ vọng, lượng tài sản quản lý ở Trung Quốc sẽ tăng gấp 3 và trở thành thị trường lớn thứ 2 trên thế giới trước năm 2025.
Sự phân bổ đầu tư ở Trung Quốc trông rất khác so với Mỹ. Trong khi cổ phiếu chiếm ưu thế trong danh mục của người Mỹ thì nhà đầu tư Trung Quốc lại tỏ ra ưa thích bất động sản. Và khi nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng tinh vi hơn, các dịch vụ tài chính trong nước tập trung nhiều hơn vào phát triển các sản phẩm mang lại thu nhập cố định và vốn tư nhân (PE).
Ở cấp độ thị trường đại chúng, quỹ thị trường tiền tệ dựa trên ứng dụng điện thoại chiếm ưu thế. Loại hình này chiếm tới 60% khoản đầu tư ở các quỹ công khai Trung Quốc, theo nhận định của John Ott, người phụ trách thực hành dịch vụ tài chính tại công ty tư vấn Bain.
Chẳng hạn như, quỹ thị trường tiền tệ dựa trên Yu’e Bao (một dịch vụ đầu tư di động do Ant Financial vận hành) trở thành quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất trong 4 năm. Quỹ này có tới hơn 470 triệu người dùng tính tới cuối năm 2018 và khoảng 1.45 ngàn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 211 tỷ USD) tài sản tính tới cuối tháng 6/2018.
“Chúng tôi nghĩ làn sóng kế tiếp sẽ xảy ra trong lĩnh vực có thu nhập cố định”, ông Ott cho hay. Ông dự báo, sự phân bổ vốn cho các quỹ thị trường tiền tệ sẽ giảm xuống còn 50% trong vòng 5 năm tới, còn tỷ trọng phân bổ vốn cho khoản đầu tư tạo thu nhập cố định sẽ tăng từ 15% lên 20%.
Giới siêu giàu Trung Quốc cũng thích các khoản đầu tư khác hơn là chứng khoán. Một quỹ quản lý tài sản Trung Quốc hàng đầu dành cho các cá nhân siêu giàu, Noah Holdings, cho biết, 60% tài sản đang quản lý được phân bổ cho các khoản đầu tư khác như vốn tư nhân và vốn mạo hiểm.
Việc phân bổ vốn nhiều cho các khoản đầu tư tư nhân có vẻ hợp lý trong một quốc gia có nhiều công ty trẻ, tăng trưởng nhanh chóng và có thể sớm trở thành công ty đại chúng hoặc được mua lại.
Năm ngoái, thông qua công ty quản lý tài sản con Gopher, Noah Holdings cho biết, họ đã đầu tư vào gần 60 công ty chưa niêm yết ở Trung Quốc đại lục với giá trị vốn hóa hơn 1 tỷ USD, theo phần trình bày của Công ty.
Nhà đầu tư giàu có Trung Quốc cũng rót tiền vào các quỹ bất động sản nhiều hơn là nhà ở, và các quỹ đầu cơ hơn là các cổ phiếu riêng lẻ, theo Yue Zhang, Phó Chủ tịch cấp cao tại CreditEase. Ngày càng nhiều nhà đầu tư giàu có đang phân bổ tài sản ra nước ngoài, bà nói thêm.
Các công ty phương Tây như UBS và BlackRock cũng bị thu hút bởi cơ hội tăng trưởng ở nơi đây, và theo khảo sát 126 CEO của các công ty quản lý tài sản trên toàn cầu của PwC, 40% CEO (không phải người Trung Quốc) đang xem xét đầu tư ở Trung Quốc trong năm nay.
Tuy nhiên, những diễn biến tương lai của ngành quản lý tài sản Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc vào quy định Chính phủ.
“Mặc dù mức độ giàu có ở Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn ở những nơi khác và Chính phủ đang cố gắng mở cửa thị trường quản lý tài sản, nhưng các rào cản trong việc làm ăn ở Trung Quốc vẫn còn đó”, báo cáo cảu PwC cho biết. “Thật vậy, một vài nhà quản lý tài sản tỏ ra rất thất vọng về điều này”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)