Vietstock - Đâu là lý do có thể đẩy giá dầu lên 120 USD/thùng?
Nguồn cung dầu có thể dễ dàng bị đe dọa bởi các rủi ro địa chính trị, và những sự gián đoạn sản xuất kéo theo có thể đẩy giá dầu lên cao, CNBC đưa tin.
Neil Dwane, Chiến lược gia toàn cầu và Giám đốc đầu tư về cổ phiếu châu Âu tại Allianz Global Investors, lên tiếng cảnh báo nguồn cung dầu thô đang bị đe dọa trên toàn thế giới.
“Mức sản lượng 2 triệu thùng/ngày của Venezuela có thể biến mất bất kỳ lúc nào. Azerbaijan thì đang gặp rắc rối. Và sản lượng của Trung Quốc cũng đang lao dốc nhanh chóng”, ông cho biết trong ngày thứ Sáu.
Ông Dwane cho biết các rủi ro địa chính trị có thể đẩy giá dầu lên mức rất cao khi tình trạng sản xuất có thể bị gián đoạn bất kỳ lúc nào và giá dầu hiện đang quá thấp đến nỗi không thể khuyến khích bất cứ ai khoan thêm giếng dầu mới.
Herman Wang, Chuyên gia về OPEC tại S&P Global Platts, nhất trí rằng có rủi ro địa chính trị khổng lồ đang bao trùm lên nguồn cung dầu.
Ông Wang cho biết: “Xuất hiện các kịch bản khả thi, trong đó bạn có thể chứng kiến giá dầu có lẽ không phải là 120 USD/thùng, nhưng ở mức cao hơn trước như 70-80 USD/thùng do các mối lo ngại về nguồn cung dầu và một số rủi ro địa chính trị. Venezuela chắc chắn đang rơi vào tình trạng hỗn loạn ngay lúc này”.
Câu hỏi khó đoán?
Ngay cả khi không có các lo ngại về vấn đề địa chính trị trên, OPEC sẽ phải đối mặt với một câu hỏi là liệu rằng tổ chức này có thể tái cân bằng thị trường dầu toàn cầu hay không.
Sản lượng dầu tại Mỹ đã tăng thêm 88,000 thùng/ngày (tương đương hơn 1%) lên mức 9.34 triệu thùng/ngày, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy. Trong khi đó, sản lượng của OPEC tăng thêm 220,000 thùng lên 32.49 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2017, dựa trên kết quả của cuộc thăm dò từ S&P Global Platts công bố trong ngày thứ Năm.
Tuy nhiên, dự trữ dầu thô tại Mỹ đã giảm mạnh 6.3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/06. Liệu dự trữ dầu có giảm mạnh hơn trong vài tháng tới hay không? Đây là câu hỏi mà ông Wang đã đặt ra và có thể tác động rất mạnh đến thị trường dầu. Tuy nhiên, ông cho biết việc tái cân bằng thị trường dầu vào năm 2018 là không thể.
“Sản lượng Mỹ đã tăng cao hơn 500,000 thùng so với mức tại ngày 01/01/2017, khi các đợt cắt giảm từ OPEC được bắt đầu. Bạn biết đấy, ở Libya và Nigeria, tình trạng xung đột dường như đã dịu đi tại thời điểm này”, ông cho hay.
“Sản lượng của họ đã tăng hơn tổng cộng 400,000 thùng so với mức hồi tháng 10/2016. Vì vậy, kết hợp Mỹ với Libya và Nigeria thì đã tăng gần 1 triệu thùng/ngày, qua đó làm giảm đi 50% nỗ lực cắt giảm 1.8 triệu thùng từ các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC”, ông nhận định.
Cuộc thăm dò từ S&P Global Platts cho thấy sản lượng của Libya và Nigeria đã tăng thêm tương ứng là 80,000 thùng/ngày và 50,000 thùng/ngày trong tháng trước. Được biết, cả 2 quốc gia này đều được miễn tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, và điều này dần trở thành một vấn đề đau đầu đối với OPEC.
“Libya và Nigeria đã được tặng một chiếc thẻ miễn tham gia khi thỏa thuận chính thức bắt đầu từ tháng 1/2017 vì tình trạng bất ổn nội bộ đã khiến sản lượng của họ giảm đáng kể so với những gì họ đạt được trong quá khứ”, Spencer Welch, Giám đốc thị trường dầu của IHS Markit, cho biết.
“Cả 2 cũng được miễn tham gia khi thỏa thuận được kéo dài đến cuối quý 1/2018. Luôn luôn có rủi ro lớn là cả 2 nước này sẽ tìm cách để gia tăng sản lượng”.