Vietstock - OPEC và đồng minh cảnh báo thị trường dầu có thể rơi vào trạng thái dư cung vào năm 2019
Thị trường dầu có khả năng rơi vào trạng thái dư cung vào năm tới khi đà tăng của sản lượng dầu thô toàn cầu vượt qua nhu cầu dầu, một ủy ban bao gồm các quốc gia sản xuất dầu cho biết trong ngày Chủ nhật (11/11).
Ủy ban bao gồm một vài thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà xuất khẩu dầu khác cho biết, các nhà sản xuất dầu có thể buộc phải đưa ra đợt cắt giảm sản lượng mới nhằm giữ cân bằng cho thị trường dầu. Tuyên bố trên được đưa ra khi đà tăng của nguồn cung dầu và triển vọng nhu cầu ảm đạm hơn đã làm giá dầu giảm mạnh, thậm chí giá dầu WTI rơi vào thị trường con gấu (tức giảm hơn 20% so với mức đỉnh gần đây).
Thông cáo của ủy ban này ám chỉ về khả năng tiến tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng khi các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC nhóm họp ở Vienna vào tháng tới.
OPEC và các nhà sản xuất bên ngoài, bao gồm cả Nga, bắt giảm sản lượng từ tháng 1/2017 nhằm xóa bỏ tình trạng dư cung toàn cầu – vốn đã đẩy giá dầu rơi tự do từ 100 USD/thùng xuống dưới 30 USD/thùng. Hồi tháng 6/2018, nhóm này quyết định nâng sản lượng thêm tổng cộng 1 triệu thùng/ngày sau khi các thành viên giảm sản lượng mạnh hơn dự định và khi giá dầu chạm mức đỉnh 3 năm rưỡi.
Kể từ đó, ba nhà sản xuất hàng đầu thế giới – Mỹ, Nga và Ả-rập Xê-út – đồng loạt đạt kỷ lục về sản lượng. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đà tăng lãi suất và sự suy yếu của các đồng tiền ở thị trường mới nổi làm dấy lên mối lo ngại về đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu và sau đó là nhu cầu dầu.
Tháng trước, Ủy ban phụ trách giám sát mức tuân thủ về hạn ngạch sản lượng cho biết, các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC có lẽ buộc phải đảo ngược lộ trình và bắt đầu cắt giảm sản lượng một lần nữa. Hôm Chủ nhật (11/11), họ cho biết, với tình hình hiện nay thì cần phải có chiến lược mới để cân bằng thị trường.
“Ủy ban đánh giá lại nguồn cung dầu và các yếu tố cơ bản về nhu cầu hiện nay, và lưu ý rằng triển vọng năm 2019 có thể là tăng trưởng nguồn cung vượt mức tăng trưởng nhu cầu toàn cầu, sau khi tính tới những bất ổn hiện nay”, Ủy ban Giám sát Cấp bộ trưởng Chung (JMMC) cho hay.
“Ủy ban cũng lưu ý rằng khả năng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu cùng với những bất ổn liên quan có thể tác động tới nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2019 – và có thể nới rộng khoảng cách cung và cầu”.
Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid al-Falih, cho biết họ dự tính giảm nguồn cung dầu trên thị trường dầu bớt 500,000 thùng/ngày trong tháng 12/2018, khi quốc gia đứng đầu OPEC đối mặt với sự không chắc chắn trong việc cố gắng thuyết phục các nhà sản xuất khác đồng ý cắt giảm sản lượng cùng nhau.
Hôm Chủ nhật (11/11), ông Falih cho biết, thị trường đã phản ứng quá mức trong tháng trước, khi giá dầu leo lên mức đỉnh 4 năm. Ông cho biết, đà giảm hơn 20% của giá dầu trong 5 tuần vừa qua cho thấy nhà đầu tư giờ đang phản ứng thái quá theo chiều hướng khác.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak, cho biết ông không tin là thị trường dầu sẽ rơi vào tình trạng quá nhiệt trong năm 2018. Nga hiện đang là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Mỹ) và rất có sức ảnh hưởng tới liên minh dầu mỏ này.
Giá dầu đã bắt đầu leo lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 cho tới đầu tháng 10/2018, do nhà đầu tư lo ngại các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Iran có thể làm một số quốc gia rơi vào cảnh thiếu dầu. Lệnh trừng phạt đã có hiệu lực trong tháng này, nhưng chính quyền Donald Trump đã quyết định miễn lệnh trừng phạt cho 8 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc trong 180 ngày tới, qua đó giảm bớt nỗi lo về tình trạng thiếu hụt dầu.
Vũ Hạo (Theo CNBC)