Vietstock - Đường trong nước trước áp lực giảm giá
Thuế suất nhập khẩu đường sẽ không còn là rào cản để bảo vệ ngành đường trong nước trong thời gian tới, trong khi xuất khẩu sản phẩm này vẫn chủ yếu là tiểu ngạch. Thêm vào đó, lượng đường nhập khẩu được dự báo tăng sẽ gây áp lực khiến giá đường sản xuất trong nước giảm.
Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo tái cơ cấu ngành mía đường Việt Nam do Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) và Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) tổ chức trong hai ngày 17 và 18-8 tại Bình Thuận.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA cho biết, hiện Việt Nam có 41 nhà máy đường với tổng công suất 150.000 tấn mía mỗi ngày. Diện tích mía cả nước là gần 300.000 héc ta với năng suất 64,5 tấn/héc ta.
Những con số trên cho thấy, ngành mía đường trong nước còn nhỏ và diện tích, năng suất mía còn thấp so với ngành mía đường thế giới.
Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty ngành đường TTC cho biết, nhìn vào các quốc gia trong khu vực có sản xuất đường sẽ thấy Việt Nam cần phải thay đổi nhiều, đặc biệt là hành lang pháp lý. Chẳng hạn, Thái Lan và Philippines đã có luật mía đường, còn Việt Nam đến nay vẫn chưa có.
Về diện tích trồng mía, ông Dương nói Thái Lan gấp 5 lần Việt Nam nhưng lại gấp 8 lần về sản lượng đường. Tương tự, Philippines có 450.000 héc ta mía, mỗi vụ sản xuất được 2,5 triệu tấn đường. Còn Việt Nam có 300.000 héc mía và mỗi vụ mía sản xuất được khoảng 1,5 triệu tấn đường.
Trong những năm qua, do được đầu tư vào khâu giống nên năng suất, sản lượng đường của Việt Nam đã tăng lên nhưng không bằng so với hai nước trong khu vực. Điều đó cho thấy, chính sách phát triển mía đường của các nước trong khu vực tốt hơn Việt Nam.
Nếu nhìn vào chiến lược phát triển ngành đường của các nước trong khu vực ASEAN, những năm tới đây, ngành mía đường trong nước sẽ bị cạnh tranh ngày càng gắt gao hơn.
Ông Dương cho biết, trong chiến lược phát triển ngành đường, Thái Lan xem châu Á là thị trường tiêu thụ chính nên quốc gia này có những chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước đạt được mục tiêu này.
Phillipines cũng có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm vì ngoài đường, quốc gia này sẽ sản xuất sản phẩm sinh học như xăng sinh học.
Theo các đại biểu, về phía Việt Nam, nếu muốn giảm giá thành sản phẩm thì phải đi theo cách này nhưng khó khăn hiện nay là tiêu thụ xăng sinh học tại thị trường nội địa đang gặp khó khăn. Do đó, việc sản xuất xăng sinh học là một thách thức nếu thời gian tới, Chính phủ không có thêm những chính sách phù hợp cho sản phẩm này.
Hiện tại, thuế xuất nhập khẩu đường các nước trong khu vực ASEAN là 5% và nhiều khả năng sau năm 2018 sẽ về mức 0%. Đây được xem là thách thức lớn cho ngành mía đường Việt Nam vì nếu giá đường nội địa không giảm sẽ rất khó cạnh tranh với đường nhập từ Thái Lan, một nước dẫn đầu thế giới về sản xuất đường.
Mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu đường theo cam kết gia nhập WTO, nhập từ Lào. Ngoài ra, đường nhập lậu, gian lận thương mại từ các quốc gia trong khu vực sẽ vẫn là những vấn đề lớn mà ngành đường trong nước phải đối mặt.
Lâu nay, đường Việt Nam chỉ được xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc nhưng số lượng không nhiều và luôn phải đối mặt với tình trạng cấm biên. Do vậy, khi thị trường có số lượng lớn đường nhập khẩu giá rẻ thì giá đường nội địa sẽ bị áp lực giảm theo.
Với những vấn đề đã được đề cập, theo VSSA, sẽ có nhà máy đường phải đóng cửa vì sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu.
Thời gian qua, trong khi chờ những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, nhiều nhà máy đường cũng bắt tay xây dựng chiến lược tái cơ cấu của mình. Cụ thể, để giải quyết bài toán sản xuất manh mún nhỏ lẻ, không thể cơ giới hóa hay thủy lợi, các công ty mía đường đã chủ động liên kết với nông dân để xây dựng cánh đồng mía lớn; đầu tư máy móc, cơ giới hóa nhằm giảm chi phí sản phẩm.
TTC là một trong những tập đoàn đi theo hướng này. Theo TCC, chính cách làm này đã giúp cho giá thành sản phẩm đường của tập đoàn giảm nên tăng tính cạnh tranh đối với đường nhập khẩu.
Hiện VSSA đang vận động cơ quan chức năng, ban ngành thành lập quỹ phát triển mía đường với mục đích có thêm nguồn tài chính để hỗ trợ người trồng mía, các nhà máy trong việc tái cơ cấu.