Vietstock - Ngành chăn nuôi: Cần có thống kê chặt chẽ
Giữa năm 2017, giá thịt lợn đã giảm sâu kỷ lục trong hàng chục năm qua, đến nay giá thịt lợn lại chạm ngưỡng 50.000 đồng/kg – một con số cao cũng ở mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Biên độ dao động quá lớn này đang phản ánh những bất cập trong lĩnh vực chăn nuôi hiện nay.
Chăn nuôi nông hộ nên chuyển hướng chăn nuôi hữu cơ để phù hợp trong giai đoạn tới - Ảnh:VGP/Đỗ Hương
|
Nông hộ thiếu thông tin
Chăn nuôi nông hộ được xác định là một hình thức chăn nuôi vẫn có những giá trị riêng trong quá trình hướng đến công nghiệp hóa chăn nuôi. Tuy vậy, sau thời kỳ giá giảm kỷ lục vào cuối năm 2017, tình trạng nông hộ “treo chuồng” đã diễn ra và ngày càng phổ biến hơn ở các vùng quê.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, hiện nay các hộ chăn nuôi thiếu thông tin về tín hiệu thị trường, thiếu hiểu biết thị trường nếu chăn nuôi rời rạc, nhỏ lẻ thì họ sẽ không biết bán cho ai.
“Về thống kê, chúng ta có Tổng cục Thống kê, mỗi năm họ thống kê 4 kỳ để nắm được số lượng trong chăn nuôi, tuy nhiên cũng chỉ ở mức tương đối. Để thống kê sát nhất số đầu gia súc, chúng ta nên phối hợp với Tổng cục Thống kê để có số liệu chính xác, từ đó đưa ra chỉ đạo sát thực hơn. Chúng tôi cũng đã xác định chỉ cần 3 triệu nái với năng suất 1 nái là 21-24 con, như thế chúng ta vẫn đủ lượng thịt cung cấp cho thị trường”, ông Dương nhấn mạnh.
Ông Dương cũng đưa ra khuyến cáo: “Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ tôi cho rằng cần chuyển hướng sang chăn nuôi lợn hữu cơ, đặc sản phù hợp cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ. Nếu các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không theo được con đường chăn nuôi chuyên nghiệp thì phải có chính sách chuyển nghề cho họ hơn là buộc họ phải chăn nuôi. Còn trường hợp nào có năng lực thì tiếp tục hỗ trợ để phát triển, đặc biệt hỗ trợ cho các doanh nghiệp có ký hợp đồng với nông dân, sản xuất theo chuỗi”.
Dưới góc độ là doanh nghiệp hàng đầu trong thị trường chăn nuôi Việt Nam hiện nay, Ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam cũng đưa ra nhận định: “Ước tính nền công nghiệp hóa chăn nuôi Việt Nam mới đi được nữa chặng đường, vẫn còn một tỉ lệ khá lớn chăn nuôi nông hộ nhỏ. Ưu thế của chăn nuôi nông hộ nhỏ là linh hoạt, dễ dàng giảm đàn để cắt lỗ cũng như tái đàn khi thuận lợi. Sự biến động này dẫn đến việc thống kê tổng đàn của cả nước còn khó khăn, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và dễ mất cân đối cung cầu sản phẩm chăn nuôi”.
Do thiếu thông tin nên mặc dù giá lợn tăng cao, nhưng theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi hiện nay bà con chăn nuôi lại không được hưởng nhiều lợi ích. “Vì thời điểm này, đại đa số các hộ nuôi lợn nhỏ đã không còn lợn để bán do tác động của đợt khủng hoảng thừa trước đó. Đối tượng hưởng lợi lớn nhất lại là các trang trại lớn, các công ty, tập đoàn chăn nuôi bởi họ có nguồn cung dồi dào”, ông Vang nhìn nhận.
Giá thịt vẫn cao đến cuối năm
Dự báo về giá thịt lợn từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Đăng Vang, cho rằng giá sẽ vẫn ở mức cao. “Mức giá này có thể cao hơn trong thời gian tới, tuy nhiên cũng không thể cao hơn nhiều so với mức giá hiện tại nhiều do vào mùa nóng, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm đi. Còn mức giá cao thế này có thể duy trì đến bao giờ thì chưa thể dự báo được”, ông Vang đánh giá.
Cùng với đó, ông Vang cũng cảnh báo nếu thịt lợn trong nước tiếp tục tăng giá, khả năng phải nhập khẩu thịt lợn rất cao. Bởi hiện nay giá lợn ở các tỉnh phía nam Trung Quốc giáp ranh với Việt Nam, giá lợn đang ở mức 35.000-36.000 đồng/kg.
Ông Vang cũng đưa ra lời khuyên, người chăn nuôi đang có xu hướng tái đàn, nhưng do lợn thịt sốt giá khiến cho giá lợn giống cũng tăng cao. Do vậy, người chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt, nếu mua con giống với giá cao thì chi phí chăn nuôi lớn, ngoài ra cần theo dõi thêm biến động của thị trường để quyết định việc mở rộng sản xuất cho phù hợp.
Một trong những “kênh” dự báo được người chăn nuôi nghe ngóng nhất là từ các doanh nghiệp lớn có thể tạo được “cú hích” cho thị trường. Ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, nhìn nhận: “Các yếu tố sản xuất để cung cấp sản phẩm chăn nuôi cho thị trường từ nay đến cuối năm 2018 đã được hình thành tại thời điểm hiện tại, do vậy mức độ biến động giá cả do thay đổi nguồn cung là không nhiều. Người chăn nuôi heo hiện đang có lãi thì không ai giảm đàn, mà có thể sẽ tăng đàn heo nái, nhưng tăng đàn heo nái bây giờ thì một năm sau mới làm thay đổi nguồn cung cho thị trường”.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng khuyến cáo: “Trước mắt cần tăng năng suất, tăng khối lượng thịt, đưa các sản phẩm ra thị trường nhanh nhất có thể. Đối với lợn thịt, người chăn nuôi cần có biện pháp vỗ béo tốt, như thế chúng ta sẽ có một khối lượng thịt đáng kể. Chúng ta cần tăng cao ngay năng suất sinh sản lợn giống thương phẩm phục vụ giết thịt. Để tăng cao năng suất chúng ta cần cho lợn ăn thức ăn tốt và sử dụng vắc xin đầy đủ làm cho lợn khoẻ, có như thế lợn sinh sản mới cao”.
Cụ thể, với lợn hậu bị, ông Dương cho rằng không nên vào giống ồ ạt bởi vì vào giống bây giờ thì 15 tháng sau mới có lợn con, lúc đó giá có còn cao hay không. “Chúng tôi khuyến cáo nông dân chỉ vào giống từ 10-15%, nếu chúng ta vào giống như thế sẽ không phá vỡ quy mô đàn nái”, ông Dương khẳng định.
Đỗ Hương