Vietstock - Điều tra thuế: Lo ngại cơ quan thuế lạm quyền
Theo các chuyên gia thuế, luật sư và doanh nghiệp, nếu ngành thuế có thêm chức năng điều tra thuế với quyền hạn có thể được mở rộng đến việc tạm giữ, áp giải người vi phạm như Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ thì rất nhiều chuyện sẽ xảy ra. Trong đó, lo ngại lớn nhất là cơ quan thuế sẽ lạm quyền.
Các hoạt động điều tra của cơ quan thuế phải được triển khai theo một trình tự chặt chẽ, minh bạch, có cơ chế giám sát để tránh lạm quyền, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế. Ảnh: NGUYỄN NAM.
|
Lẫn lộn giữa hành pháp và tư pháp
Trong dự thảo trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính cho rằng, cần bổ sung thêm chức năng điều tra thuế cho ngành thuế. Trong đó, đáng chú ý là cơ quan thuế có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế. Đồng thời, trong quá trình thực hiện nghiệp vụ, nếu có căn cứ cho rằng có hành vi vi phạm thì trưởng đoàn kiểm tra, thanh tra, chi cục trưởng, cục trưởng có thẩm quyền niêm phong hàng hóa, kho, hồ sơ, tài liệu, tạm giữ người, áp giải người vi phạm. Và khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự.
Bình luận về đề xuất này của cơ quan chức năng, luật sư Châu Huy Quang, luật sư điều hành R&T LCT Lawyer, cho rằng mong muốn này của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính dễ dẫn đến tình trạng lẫn lộn giữa hoạt động của cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Theo quy định hiện hành, hoạt động điều tra, gồm cả điều tra hành vi gian lận, trốn thuế nằm trong phạm vi, chức năng của cơ quan tố tụng trong lĩnh vực tư pháp (như cơ quan điều tra, viện kiểm sát). Điều 4, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định rõ hệ thống cơ quan điều tra hình sự được tổ chức gồm cơ quan điều tra của công an nhân dân, cơ quan điều tra trong quân đội nhân dân và cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Như vậy, nếu bổ sung chức năng điều tra thuế cho cơ quan thuế thì đồng nghĩa với việc cơ quan hành pháp sẽ kiêm nhiệm chức năng tư pháp.
Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu về điều tra thuế nếu có chỉ nên tập trung vào lĩnh vực chuyển giá là hợp lý và hiệu quả nhất. Một trong những giải pháp có thể làm ngay và phù hợp là đề ra ngoại lệ cho việc thanh tra, kiểm tra chuyển giá. |
Cũng theo ông Quang, việc thêm chức năng điều tra cho Tổng cục Thuế vì thế có thể gây xung đột thẩm quyền với các cơ quan điều tra tư pháp khác. Một cơ quan nhà nước vừa có chức năng hành pháp vừa có chức năng tư pháp dễ dẫn tới lạm quyền, khó bảo đảm nguyên tắc nhất quán trong việc thực hiện các quyền lực nhà nước. Theo đó, phải có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp như quy định tại khoản 3, điều 2, Hiến pháp 2013.
Đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia thuế có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc thậm chí còn cho rằng điều này hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng cán bộ sẽ lợi dụng quyền hạn để đe dọa người nộp thuế, áp đặt những xử lý có lợi cho cơ quan thuế và có hại cho người nộp thuế mà họ không dám phản đối.
Bên cạnh đó, theo vị này, để cơ quan thuế thực hiện được chức năng điều tra thì chắc chắn cần bổ sung thêm nhân lực. Đó là chưa kể phải sửa rất nhiều luật để tương thích cũng như phải xử lý các vấn đề phát sinh, ví dụ như cơ quan thuế muốn thực hiện chức năng tạm giữ người, niêm phong hàng thì cần có trang bị gì thêm (chẳng hạn như vũ khí), cần làm gì trong tình huống đối tượng chống cự...
Lâu nay các lực lượng như hải quan, biên phòng cũng có chức năng điều tra thuế, nhưng việc này là dựa trên đặc thù riêng, địa bàn riêng.
Ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty Giấy vi tính Liên Sơn, lo lắng nếu đề xuất thêm chức năng điều tra thuế cho Tổng cục Thuế được thông qua thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, các quy định về thuế không những thiếu rõ ràng, chồng chéo, mỗi người đều có thể hiểu theo hướng có lợi cho mình mà còn thường xuyên bị sửa đổi, bổ sung. Ngay cả công chức thuế trong nhiều trường hợp cũng không thể thực hiện nổi, phải xin ý kiến từ cấp trên. Vì vậy, việc vi phạm quy định về thuế, với doanh nghiệp, trong nhiều trường hợp, là không thể tránh khỏi. Giao thêm quyền cho cơ quan thuế sẽ khiến tình trạng người nộp thuế phải “đi đêm” với cơ quan thuế, được chính Bộ Tài chính thừa nhận, nhiều thêm.
Tăng cường giải pháp chống trốn thuế, gian lận thuế
Một chuyên gia thuế nhìn nhận, xuất phát điểm của đề xuất thêm chức năng điều tra thuế cho Tổng cục Thuế là hành vi trốn thuế, gian lận thuế ngày càng tinh vi, phức tạp. Theo Luật Quản lý thuế hiện hành, thời hạn thanh tra bị giới hạn trong phạm vi 45 ngày nên khi phát sinh những hành vi trốn thuế phức tạp, cần thời gian điều tra lâu dài như chuyển giá, cơ quan thuế gặp khó khăn. Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, trốn thuế có thể bị khép là tội hình sự nên theo ông, việc để một cơ quan có chuyên môn như cơ quan thuế phụ trách điều tra hành vi trốn thuế cũng không phải là một đề xuất quá bất hợp lý. Chức năng này có thể phần nào rút ngắn thời gian xử lý, khởi tố vụ án và có tính chất răn đe tội phạm thuế.
Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích có thể có này thì cơ quan thuế phải làm rất nhiều việc. Dễ thấy nhất là các cán bộ vốn đang làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế, đặc biệt là những nhân lực giỏi, có kinh nghiệm sẽ phải chia bớt sang lực lượng điều tra. Đồng thời, cơ quan thuế sẽ phải xây dựng, đào tạo, phát triển đội ngũ điều tra viên về thuế. “Đây rõ ràng không phải là việc có thể làm trong ngày một, ngày hai”, vị này nói.
Do vậy, theo ông, ở thời điểm hiện tại, nhu cầu về điều tra thuế nếu có chỉ nên tập trung vào lĩnh vực chuyển giá là hợp lý và hiệu quả nhất. Và một trong những giải pháp có thể làm ngay và phù hợp là đề ra ngoại lệ cho việc thanh tra, kiểm tra chuyển giá. Ví dụ như nới rộng thời gian, không giới hạn 45 ngày như hiện tại. Hoặc thành lập một “Tổ đặc nhiệm chống chuyển giá” của cơ quan thuế để nghiên cứu, kiểm tra, thanh tra những trường hợp đặc biệt và phối hợp với các cơ quan chức năng khác trong công tác tố tụng nếu cần.
Theo luật sư Châu Huy Quang, trong tương lai, để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong tình hình mới, cần tận dụng nghiệp vụ chuyên sâu của cơ quan thuế nhằm điều tra hiệu quả hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Nhưng hoạt động này cần phải đảm bảo hai yếu tố. Thứ nhất, hoạt động điều tra của cơ quan thuế chỉ mang bản chất thu thập chứng cứ làm rõ hành vi gian lận trong lĩnh vực thuế để qua đó hỗ trợ, chuyển tiếp cho các cơ quan điều tra tư pháp trong chống tội phạm thuế. Thứ hai, nếu chức năng điều tra của cơ quan quản lý thuế thuộc hoạt động tố tụng thì phải có quy định về thủ tục riêng biệt. Nghĩa là, các hoạt động điều tra của cơ quan thuế phải được triển khai theo một trình tự chặt chẽ, minh bạch, có cơ chế giám sát để tránh lạm quyền, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.
Minh Tâm