Vietstock - Vinasun và Grab cùng kháng cáo bản án sơ thẩm
Grab không đồng ý bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng theo án sơ thẩm tuyên. Vinasun tiếp tục đề nghị tòa phúc thẩm buộc Grab bồi thường hơn 36,3 tỉ đồng còn lại.
Vinasun (hình) và Grab cùng kháng cáo bản án sơ thẩm.
NGỌC DƯƠNG
|
Ngày 16.1, TAND TP.HCM cho biết đến nay, cả Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab (Grab) đều có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm vụ kiện “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” liên quan đến các bên.
Theo đó, Grab kháng cáo không chấp nhận bản án tòa tuyên Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng.
Grab đề nghị cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án vì cho rằng cấp sơ thẩm không có thẩm quyền giải quyết vụ án. Trong trường hợp tòa phúc thẩm không đình chỉ vụ án thì Grab đề nghị tòa phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm để xác định Grab không kinh doanh vận tải, không vi phạm Đề án 24, Nghị định 86 và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun vì Grab không có vi phạm đối với Vinasun và Vinasun không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của Grab (nếu có) và thiệt hại của Vinasun…
Đại diện Grab (bìa trái) và luật sư bảo vệ phía Grab tại phiên tòa sơ thẩm. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
|
Về phía Vinasun, sau khi tòa tuyên án 2 ngày, Vinsun nộp đơn kháng cáo về nội dung tòa bác một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, không tuyên buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 36,3 tỉ đồng.
Theo Vinasun, trong phần nhận định, HĐXX đã xác định kết quả giám định của Công ty CP thẩm định – giám định Cửu Long là có căn cứ; thiệt hại thực tế của Vinasun là có thực; Grab có hành vi trái pháp luật khi thực hiện hành vi kinh doanh taxi trái pháp luật; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế của Vinasun với hành vi trái pháp luật của Grab… để cho rằng hành vi trái pháp luật của Grab gây thiệt hại cho Vinasun đối với phần giảm giá trị vốn hóa thị trường.
Tuy nhiên, sau đó HĐXX lại lập luận phần giảm giá trị vốn hóa thị trường của Vinasun còn có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan của Vinasun, của nhà đầu tư, không thể tách bạch thiệt hại nào do Grab gây ra và phần thiệt hại nào do các yêu tố khác. Cho nên HĐXX đã bác yêu cầu thiệt hại này của Vinasun để không buộc Grab bồi thường hơn 36,3 tỉ đồng là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Vinasun. Vì vậy, Vinasun đề nghị cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Trước đó, ngày 28.12, TAND TP.HCM xử sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, tuyên bị đơn là Grab phải bồi thường hơn 4,8 tỉ đồng cho Grab. Số tiền hơn 36,3 tỉ đồng/41,2 tỉ đồng Vinasun khởi kiện yêu cầu Grab bồi thường, tòa không chấp nhận.
Bản án cũng buộc Grab phải hoàn trả lại cho Vinasun hơn 347 triệu đồng, là chi phí giám định mà Vinasun đã ứng ra trả trước đó. Chi phí giám định còn lại, hơn 2,6 tỉ đồng sẽ do Vinasun phải chịu và nguyên đơn đã thanh toán.
Đồng thời, HĐXX cũng kiến nghị Bộ GTVT và cơ quan có thẩm quyền quản lý hoạt động kinh doanh vận tải của Grab theo quy định pháp luật, sửa đổi nội dung “Đề án 24” cho phù hợp với thực tế (nếu tiếp tục thực hiện đề án này).
Kiến nghị Bộ Tài chính có giải pháp quản lý về giá cước vận chuyển, về thuế đối với Grab theo quy định pháp luật về doanh nghiệp vận tải.
Kiến nghị cơ quan Bảo hiểm Xã hội xem xét trách nhiệm của Grab trong việc thực hiện nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động tham gia làm việc cho Grab theo đúng quy định.
Đồ họa: Cẩm Tiên
|
Phan Thương