Vietstock - Tránh để doanh nghiệp thất bại khi chuyển đổi theo thị trường
Rất nhiều doanh nghiệp (DN) có thể bị tụt hậu, phá sản vì không tiếp cận được công nghệ khi cấu trúc thị trường đang thay đổi.
Do đó, các chính sách của nhà nước phải hỗ trợ tránh được cú sốc trong quá trình chuyển đổi này. Đây là nhận định của TS Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ, tại buổi trao đổi với các DN trong CLB DN dẫn đầu (LBC) tổ chức ngày 6-6 ở TP HCM.
Nhà nước cần tạo môi trường để các doanh nghiệp chia sẻ ý tưởng với nhau
Ảnh: TẤN THẠNH
|
Theo TS Vũ Viết Ngoạn, một trong những yêu cầu về chính sách trong thời gian tới là phải xây dựng văn hóa ứng dụng sáng tạo và truyền tải khát vọng phát triển ở cả cấp Chính phủ và DN. Ông dẫn một thống kê của tổ chức tài chính quốc tế cho thấy nếu 75% nhóm DN của Anh chia sẻ về công nghệ, ý tưởng trong cộng đồng như DN Đức thì GDP của Anh mỗi năm sẽ có thêm 100 tỉ bảng. Trong khi đó, ở Việt Nam không thể gọi là chậm mà DN nào có ý tưởng thì giữ cho mình vì tư duy "sợ ngại, sợ lộ".
"Chúng tôi đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xây dựng chương trình quốc gia về tăng năng suất bởi không tăng năng suất sẽ không thể phát triển. Quan trọng là qua đó, thay đổi một phần văn hóa chuyển giao, DN chia sẻ ý tưởng với nhau" - ông Ngoạn nói.
Hiện trên thị trường đang có cuộc cạnh tranh mới rất khốc liệt mà ngay cả DN lớn nếu không chịu cải tiến, đầu tư cũng có thể thất bại. Theo một số thống kê gần đây, năm 2017 có khoảng 20 DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và khá nhiều DN trong số này có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung Quốc. Thực tế, không ít DN sau khi khởi nghiệp thành công đã bán cổ phần hoặc bán cả DN cho nước ngoài, phản ánh hạn chế từ thể chế khi DN không muốn phát triển "đứa con" của mình.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, 3 DN hàng đầu của nước này đã cung cấp tới 40% vốn đầu tư mạo hiểm để nuôi dưỡng những DN khởi nghiệp, đồng thời tạo ra hệ sinh thái cho các DN khác cùng hoạt động, phát triển.
Một yếu tố khác mà TS Vũ Viết Ngoạn cho rằng DN Việt Nam cần thay đổi là nghiên cứu và phát triển (R&D), đang thuộc hàng thấp nhất thế giới. Hiện R&D của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,4%-0,5% GDP, trong khi nền kinh tế Hàn Quốc, Israel đầu tư cho R&D từ 5%-6% GDP. Năm 2017, Trung Quốc cũng đầu tư gần 400 tỉ USD cho khâu này. Không có một quốc gia nào phát triển mà không có R&D và phải có thể chế để kết nối giữa nhà hoạch định chính sách, DN và nhà khoa học.
Ông Cao Tiến Vị, Tổng Giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn, nhìn nhận đổi mới sáng tạo là điều rất cần thiết nhưng Việt Nam chưa được khuyến khích nhiều. DN rất khó để có một sáng kiến, sáng chế nhưng bảo vệ được lại không đơn giản nên cần môi trường kích thích DN đầu tư vào đổi mới sáng tạo. "Vi phạm sáng chế trở thành điều bình thường, như giấy vệ sinh là mặt hàng ít tiền nhất, mà hàng giả còn nhiều hơn hàng thật. DN nghiên cứu sản phẩm mới xong chưa bán ra thị trường để thu hồi vốn, tái đầu tư đã bị "cướp" mất thì làm sao phát triển được" - ông Vị bức xúc.
Thái Phương