Vietstock - Việt Nam đang cần phải vượt qua những rào cản nào để thu hút khối ngoại?
Các giám đốc điều hành ở Việt Nam có thể nhận được nhiều cuộc gọi có đầu số “+81” (đầu số của Nhật Bản) trong năm nay.
Việt Nam thường là bến đỗ ưa thích của các doanh nghiệp Nhật Bản. Trong số tất cả phương án lựa chọn, 36% doanh nghiệp xem Việt Nam là quốc gia hàng đầu để làm ăn, dựa trên kết quả khảo sát tháng 12/2018 của NNA, một công ty có liên kết với Kyodo News. Vị trí số 2 là Ấn Độ với gần 18%, cách biệt khá lớn so với vị trí số 1, trong khi Trung Quốc chỉ nhận được 8% số lượt bầu chọn.
Việt Nam có tăng trưởng GDP hơn 7%, một thị trường tiêu dùng quy mô lớn và đang nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc. Trong khi những nước khác đang lao đao vì cuộc chiến thương mại toàn cầu, thì Việt Nam lại hưởng lợi rất nhiều. Không phiền não vì biến động tiền tệ và bầu cử như các nước láng giềng từ Indonesia cho tới Thái Lan, Việt Nam bỗng trở thành nơi trú ẩn cho các doanh nghiệp trong cơn bão toàn cầu sắp tới.
Những yếu tố củng cố cho thị trường giá lên là khá rõ ràng. Dù trải qua nhiều chu kì tăng trưởng và suy thoái, GDP của Việt Nam vẫn tăng trên 5% mỗi năm kể từ năm 2000. Chính phủ đã nỗ lực để xây dựng nguồn lực sản xuất hiệu quả về chi phí. Trong năm 2018, Việt Nam đã thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đáng ghen tị từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Tính đến ngày 26/12, khoản giải ngân FDI thực tế đã tăng 9% trong năm 2018. Năm 2019, Chính phủ hy vọng khoản giải ngân FDI sẽ tăng thêm.
Chỉ số VN-Index dường như khá rẻ. Trở lại tháng 4/2018, tính trung bình, cổ phiếu được giao dịch ở mức P/E khoảng 20 lần thu nhập ước tính. Ngày nay, con số này nằm ở mức 14 – 15 lần, thấp hơn so với mức 20 lần ở Philipines và 19 lần ở Maylaysia.
Với việc Việt Nam vượt Singapore về giá trị IPO trong năm 2018, với tổng số tiền thu được là 2.6 tỷ USD, các nhà đầu tư dường như có khá nhiều mục tiêu để nhắm tới tại Việt Nam. Cũng vì thế, các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg dự báo chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 18% trong năm nay.
Dù vậy, Nikkei Asian Review cho rằng vẫn còn đó hai rủi ro có thể dễ dàng đảo ngược tâm lý lạc quan trong 12 tháng tới.
Đầu tiên là hàng rào thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hiện nay, Việt Nam là “người chiến thắng” rõ ràng nhất ở châu Á khi tình hình kinh tế ở Trung Quốc chuyển xấu. Hàng rào thuế quan áp lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đang kìm hãm hoạt động xuất khẩu của nước này. Mặc dù Chính phủ của Chủ tịch nước Tập Cận Bình dự báo mức tăng trưởng đạt 6.3% năm 2019, nhưng gần như chẳng ai tin rằng điều này sẽ thành hiện thực.
Khi các công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho tới Mỹ tìm kiếm một giải pháp thay thế, thì Việt Nam với GDP hàng năm là 241 tỷ USD trở thành một bến đỗ đầy đầy quen thuộc, nhờ sự cởi mở của Chính phủ Việt Nam với các ngành công nghiệp nặng, lập trường chính trị vững chắc, sự kiểm soát chặt chẽ quá trình đô thị hóa, mạnh và dân số 97 triệu người.
Dù vậy, không nền kinh tế nào phụ thuộc vào thương mại mà lại có thể miễn nhiễm trước những gì sắp xảy ra. Việc ông Trump đe dọa áp thuế quan 25% đối với xe ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu có thể phá hủy chuỗi cung ứng mà Trung Quốc và Hàn Quốc đang phải phụ thuộc vào. Những thị trường này lại là hai trong số những thị trường lớn nhất của Việt Nam.
Hoạt động thương mại ngày càng hỗn loạn cùng với khả năng ông Trump khởi động một cuộc chiến tiền tệ có thể khiến các doanh nghiệp Nhật Bản phải ngần ngại khi đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2019, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phải “mắt tròn mắt dẹt” trước từng cơn giận dữ của ông Trump. Không nền kinh tế châu Á nào có thể thoát khỏi cơn địa chấn từ Nhà Trắng.
Thứ hai là Chính phủ quá tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn. Tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa kêu gọi Bộ Tài chính đẩy nhanh cải cách, tập trung vào các chính sách thuế hiệu quả hơn, thủ tục hải quan đơn giản hơn, tăng thu ngân sách và quản trị doanh nghiệp chặt chẽ hơn.
Nhà đầu tư có thể cảm thấy quen thuộc với tuyên bố trên. 12 tháng trước, những nhà quan sát thị trường dự báo chỉ số VN-Index tăng vọt hơn 20% giữa lúc nhà đầu tư hy vọng chính quyền của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ hoàn thành phần lớn những mục tiêu đã đề ra trong năm 2018. Tuy nhiên, thực thế thì nhịp độ cải cách có phần chậm hơn dự báo.
Để khôi phục lại tâm lý lạc quan ở nơi nhà đầu tư, chính quyền của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải đẩy nhanh thực hiện mở cửa nền kinh tế cho các nhà đầu tư tài chính và tư nhân hóa hàng trăm doanh nghiệp Nhà nước. Xét tới lợi thế dân số trẻ của Việt Nam (gần 25% dân số dưới 15 tuổi), những nhà đầu tư cảm thấy quan tâm tới tới thị trường tiêu dùng và các doanh nghiệp Nhà nước có liên quan tới y tế.
Thị trường sẽ hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong việc nâng room ngoại trong các công ty niêm yết lên trên mức 49% hiện nay, một điều Chính phủ đã đề xuất từ trước.
Tuy nhiên, những nỗ lực để tăng cường hệ thống tài chính có lẽ chưa tương thích với những tham vọng của Việt Nam. Trong báo cáo ngày 04/12, Fitch Ratings cho rằng Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các khoản đầu tư công nghiệp do Nhà nước chỉ đạo.
* Bài viết thể hiện quan điểm của nhà báo William Pesek, tác giả của cuốn sách: “Japanization: What the World Can Learn from Japan’s Lost Decades”
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)