Vietstock - Bộ Công Thương muốn thêm điều kiện kiểm soát ngành ô tô
Dự thảo Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, sửa chữa ô tô đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến tiếp tục đặt ra nhiều quy định can thiệp vào quá trình sản xuất, thay vì kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Các dự thảo quy định về điều kiện đầu tư, sản xuất kinh doanh lắp ráp, nhập khẩu ô tô... lại tiếp tục gây tranh cãi. Ảnh: Bộ Công Thương
|
Sản xuất, lắp ráp, bảo hành, bảo dưỡng ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư (sửa đổi). Tuy nhiên, việc đặt điều kiện đến đâu và đặt điều kiện hướng vào vấn đề gì là đúng nhất, tránh tình trạng các quy định chồng chéo lại là chuyện khác.
Theo quy định hiện hành, sản phẩm ô tô đầu ra được quản lý bằng chất lượng an toàn sản phẩm tại các Thông tư 30/2011 và Thông tư 54/2014 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Các thông tư này yêu cầu một chiếc xe khi đưa ra thị trường phải an toàn, với các điều kiện từ nhà sản xuất thiết kế mẫu, các sản phẩm xuất xưởng phải được sản xuất đúng mẫu đó; Cục Đăng kiểm đánh giá việc kiểm tra chất lượng xe trước khi xuất xưởng; mọi xe xuất xưởng đều phải có giấy chứng nhận an toàn và được kiểm tra chất lượng. Xe sẽ bị triệu hồi nếu có lỗi.
Các quy định này nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm và được xem là phù hợp với các quy định hiện hành của nhiều quốc gia trên thế giới về điều kiện sản xuất, kinh doanh, lắp ráp ô tô.
Tuy nhiên, tại dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương lại đề ra những quy định về tổ chức bộ máy và nhân lực. Ví dụ như quy định về điều kiện tại Điều 9 nhấn mạnh doanh nghiệp phải có bộ phận quản lý riêng về hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô. Người phụ trách bộ phận phải đáp ứng các điều kiện phù hợp về trình độ đào tạo cũng như kinh nghiệm công tác… nhằm hạn chế tối đa các sản phẩm bị lỗi kỹ thuật khi xuất xưởng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Hoặc quy định tại Điều 10 dự thảo về việc đảm bảo chất lượng đầu ra đối với xe xuất xưởng thông qua việc doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về nhà xưởng, dây chuyền lắp ráp, dây chuyền hàn, dây chuyền sơn, dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm và đường thử xe ô tô…
Trong văn bản góp ý gửi đến Bộ Công Thương hôm 12-6, của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc đặt các điều kiện về tổ chức bộ máy, nhân lực, điều kiện về nhà xưởng, dây chuyển lắp ráp, dây chuyền hàn, dây chuyền sơn… là can thiệp không cần thiết vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo VCCI, khi đã có một cơ chế quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra tương đối hoàn chỉnh thì việc doanh nghiệp tổ chức kinh doanh thế nào không phải là điều Nhà nước cần kiểm soát. Doanh nghiệp có thể làm một công đoạn chính trong quá trình sản xuất hoặc thuê ngoài một số quy trình (ví dụ như sơn) là quyền của doanh nghiệp. Nhà nước không thể bắt buộc doanh nghiệp phải sở hữu tất cả các dây chuyền mới cho sản xuất. Do vậy, VCCI đề nghị Bộ Công Thương bỏ các quy đinh này.
Ngay cả điều kiện về dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm nhằm kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng là rất cần thiết. Song, tại Thông tư 30 và Thông tư 54 đã có quy định về các thiết bị kiểm tra chất lượng. Các thông tư này hiện vẫn còn nguyên giá trị và không có văn bản đề nghị thay thế. Do đó, cơ quan soạn thảo được đề nghị cân nhắc việc đưa quy định này vào dự thảo và nếu quy định tại dự thảo phù hợp hơn so với quy định tại Thông tư 30 và Thông tư 54 thì có thể đưa vào nhưng cần nêu rõ rằng các điều kiện tương tự của hai thông tư trên hết hiệu lực. Ngược lại, nếu quy định tại các Thông tư 30 và Thông tư 54 phù hợp hơn thì không nên quy định trong dự thảo này, tránh sự trùng lặp, chồng chéo, không thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tại Điều 28 của dự thảo quy định về điều kiện cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo hướng liệt kê 6 điều kiện về nhà xưởng, kho bãi, trang thiết bị… Các tiêu chuẩn này được viện dẫn tới Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11794. Khi rà soát, VCCI phát hiện rằng, 6 điều kiện này và các yêu cầu tại TCVN 11794 có sự không thống nhất, như yêu cầu về quyền sử dụng đất tối thiểu 5 năm, hay thiết bị chẩn đoán động cơ, và điều này sẽ tạo sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật. Do vậy, VCCI đề nghị Bộ Công Thương sửa đổi dự thảo theo hướng chỉ viện dẫn TCVNN 11794, mà không quy định gì thêm.
Theo VCCI, việc đưa ra các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với cơ sở sản xuất ô tô cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tập trung vào những điểm còn khiếm khuyết của Thông tư 30 và Thông tư 54 và tiếp tục kiểm soát chất lượng đầu ra của sản phẩm, thay vì kiểm soát quy trình sản xuất và không nên đưa ra các nghĩa vụ pháp lý mới chồng chéo với những quy định đã thực thi.