Vietstock - Ô tô, xăng dầu gây thâm hụt thương mại
Thâm hụt thương mại Việt Nam với ASEAN là chuyện đã được ghi nhận trong 20 năm qua. Song, đáng lưu tâm, thủ phạm gây thâm hụt thương mại chính là các sản phẩm thuộc những ngành vốn được trao cho nhiều ưu đãi, như ô tô, dầu khí…
Theo Tổng cục Hải quan, sau 20 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ khu vực này tăng 10,4%/năm. Mức thâm hụt thương mại năm 2016 đã là 5,69 tỉ USD và Việt Nam chưa từng đạt thặng dư thương mại với các nước láng giềng. Trong đó, Việt Nam đã mua xăng dầu và ô tô với giá trị không hề nhỏ.
Nhập rẻ hơn mua trong nước
Điều nghịch lý là Việt Nam - quốc gia khai thác và tăng thu ngân sách nhờ bán dầu thô - phải nhập khẩu lại xăng dầu các loại với khối lượng đáng kể từ ASEAN. Năm 2016, chúng ta mua xăng dầu từ khối này tới 3,48 tỉ USD, tăng 30,9% so với năm 2005. Trong đó, Singapore cung cấp cho Việt Nam 4 triệu tấn, tương đương 1,61 tỉ USD, tăng 15,2%. Malaysia với 3,1 triệu tấn, trị giá 1,23 tỉ USD, tăng 3,7 lần về lượng và 2,8 lần về trị giá. Thái Lan cũng bán cho Việt Nam 1,5 triệu tấn xăng dầu, trị giá 650 triệu USD.
ASEAN cũng được ghi nhận là thị trường lớn nhất cung cấp ô tô nguyên chiếc các loại cho Việt Nam trong năm 2016 với kim ngạch 868 triệu USD. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2017, Indonesia bán cho chúng ta 10.500 chiếc, tương ứng 184 triệu USD; ô tô xuất xứ Thái Lan là 19.200 chiếc, tương ứng 347 triệu USD.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nhận định những số liệu trên đã chứng minh cho thất bại đau đớn của hai ngành công nghiệp mà Việt Nam luôn lựa chọn là trọng điểm. "Đặt Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất ở Quảng Ngãi là sai lầm về mặt chiến lược. Bởi lẽ, địa bàn này nằm xa 2 thị trường tiêu thụ xăng dầu lớn là miền Bắc và miền Nam, dẫn đến chi phí vận chuyển cao. Trong khi đó, nhập xăng dầu từ Singapore về TP HCM thì sẽ rẻ hơn rất nhiều và dễ dàng lan tỏa đi các tỉnh, thành thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều này cùng với thuế cho xăng dầu trong nước giảm chậm hơn các thị trường có cam kết ưu đãi dẫn đến tình trạng tồn kho xăng dầu ở Dung Quất" - ông Tuấn phân tích.
Ngành công nghiệp ô tô cũng tương tự khi đã hưởng biết bao đặc quyền, ưu đãi song vẫn chưa có được chiếc xe nào "ra tấm ra món". "Dòng xe chủ lực dưới 9 chỗ thất bại toàn phần, trừ Innova nội địa hóa trên 30% nhưng phải đạt trên 40% vào năm 2018 mới được hưởng thuế suất 0% khi xuất sang các nước ASEAN. Thái Lan với tỉ lệ nội địa hóa 70%-80% thì không khó để hiểu vì sao xe Thái hoặc nhập từ các nước ASEAN khác lấn át dòng xe sản xuất trong nước" - TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận xét.
Theo ông Tuấn, nhìn chung, với năng suất lao động thấp, chi phí và giá thành cao cùng với chiến lược đầu tư sai lầm đã khiến các ngành sản xuất của Việt Nam đều ít nhiều lâm vào cảnh "trục trặc". "Như vậy thì làm sao hàng hóa rẻ để cạnh tranh được với các nước? Nếu những ưu đãi đó dành cho những ngành có khả năng giành "chiến thắng" thì đã khác" - ông Tuấn bày tỏ.
Loay hoay cứu vãn
Mới đây, ngày 10-8, đơn vị quản lý và vận hành NMLD Dung Quất là Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã cùng với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ký thỏa thuận hợp tác về việc tăng cường tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của NMLD Dung Quất. Trước đó, nhiều lần Petrolimex cũng đã được đề nghị và có cam kết về việc thu mua sản phẩm từ Dung Quất.
Dù là giải pháp phi thị trường song giới chuyên gia cũng thừa nhận đây là cơ hội để NMLD Dung Quất có thể hạn chế được tồn kho và kinh doanh khởi sắc. Bởi thực tế, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc chính thức có hiệu lực với mức thuế ưu đãi mạnh thì rõ ràng, sản phẩm của NMLD Dung Quất không thể cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu. Chưa kể, trước đó, dù chưa có thị trường Hàn Quốc thì các đầu mối Việt Nam cũng không "ngó ngàng" gì đến xăng dầu Dung Quất mà luôn ưu ái cho Singapore.
Đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) cho hay trong 7 tháng đầu năm 2017, DN này nhập khẩu nhiên liệu chủ yếu từ Hàn Quốc vì giá rẻ hơn. Đến nay, khi sản phẩm của NMLD Dung Quất đã được nhà nước ưu đãi thuế, cước vận chuyển nên rẻ hơn nhập khẩu, Saigon Petro mới tính đến mua xăng RON 95 của Dung Quất. Tuy nhiên, đại diện Saigon Petro cho biết hiện vẫn phải nhập dầu diesel từ Singapore vì NMLD Dung Quất có sản lượng dầu diesel thấp, chỉ đủ chia cho một vài đầu mối trong nước và cũng bởi cần nhập từ thị trường tốt về để tái xuất sang Campuchia.
"Còn một điểm nữa là NMLD Dung Quất chỉ sản xuất xăng đạt chất lượng Euro 3, trong khi sắp tới phải đáp ứng xăng Euro 4 theo lộ trình kiểm soát khí thải. Khi đó, động cơ, máy móc yêu cầu đồng bộ theo đúng lộ trình mà Dung Quất không làm kịp thì sẽ phải nhập giá mắc hơn" - đại diện Saigon Petro băn khoăn. TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận định nếu không cải thiện được năng suất, trình độ lao động và chất lượng sản phẩm thì chúng ta sẽ bị thâm hụt thương mại ở tất cả lĩnh vực chứ không riêng ngành nào. "Ta có ưu thế lao động giá rẻ nhưng 1 phần tiền công trả cho lao động chỉ tương ứng với 1 sản phẩm, còn các nước 5 phần tiền công trả cho lao động lại tạo ra được 10 sản phẩm. Như vậy, giá lao động của ta không hề rẻ. Cùng với các chi phí hạ tầng, đất đai, thuế, chi phí không chính thức và việc định giá thực đồng tiền của chúng ta cao đã làm cho hàng hóa đắt một cách tương đối, không cạnh tranh được với các nước cùng khu vực, thậm chí ngang nhau về trình độ. Muốn thay đổi thì chỉ có cách cải thiện những hạn chế này" - ông Tuấn đề xuất.
Cải cách chậm hơn mở cửa TS Đỗ Thiên Anh Tuấn đặc biệt quan tâm đến việc cải cách thể chế, môi trường. "Phải thừa nhận một phần đóng góp cho nền kinh tế đến từ khối các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Song, những quốc gia có môi trường kinh doanh tốt hơn sẽ thu hút những DN nước ngoài hàng đầu. Môi trường của chúng ta kém hơn nên chỉ thu hút được những nhà đầu tư hạng 2, 3. Chính vì điều đó mà hàng hóa chúng ta vẫn lép vế, không cạnh tranh được với những nước có cùng trình độ phát triển, cùng phân khúc sản phẩm và ta luôn nhập siêu từ họ" - ông Tuấn nêu thực tế. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá Việt Nam đang hội nhập bằng cách giảm các hàng rào thuế quan và ngày càng mở cửa cho đầu tư ở một số ngành lâu nay chúng ta bảo hộ. Thế nhưng, rõ ràng những cải cách của Việt Nam về thể chế, nhân lực, hạ tầng… chậm hơn những cam kết mở cửa. Điều đó dẫn đến nền kinh tế đã luôn mắc phải những "căn bệnh" không dễ chữa, như thâm hụt lớn. |