Vietstock - Khả năng Mỹ - Trung tiến tới thỏa thuận vẫn còn khá mong manh
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng nhau ngồi lại trong ngày thứ Tư (30/01) để đàm phán thương mại cấp cao nhằm tìm kiếm một giải pháp để chấm dứt chiến tranh thương mại – một yếu tố đã phủ bóng đen ảm đạm lên cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng đừng quá mong chờ vào khả năng tiến tới một thỏa thuận.
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ, Steven Mnuchin – người vẫn ủng hộ nhiệt thành cho phương án tiến tới thỏa thuận trong chính quyền Trump – trong ngày thứ Ba (29/01) cho biết ông kỳ vọng sẽ có “bước tiến lớn” trong cuộc đàm phán tuần này.
Dựa vào nguồn tin thân cận, các quan chức trong chính quyền vẫn còn bất đồng quá nhiều về các vấn đề quan trong, trong đó nhóm đàm phán bên Mỹ vẫn đang còn tranh cãi nội bộ về cách thức triển khai và chưa chuẩn bị kỹ càng cho các cuộc họp tuần này. Hôm thứ Hai (28/01), Mỹ tuyên bố buộc tội hình sự đối với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei và điều này cũng góp phần khiến tâm lý nhà đầu tư “bớt đà hưng phấn”.
Cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày giữa phái đoàn Trung Quốc (dưới sự dẫn dắt của Phó Thủ tướng Lưu Hạc) và nhóm đàm phán Mỹ (dưới sự dẫn dắt của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), Robert Lighthizer) là cuộc đàm phán cấp cao nhất kể từ khi hai nhà lãnh đạo cùng nhau ăn tối bên lề cuộc họp thượng đỉnh G20 vào ngày 01/12/2018.
Thể hiện tầm quan trọng của các cuộc đàm phán Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump được dự báo sẽ gặp gỡ nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc (ông Lưu Hạc), theo nhận định của ông Mnuchin tại cuộc họp báo ngày thứ Hai (28/01) ở Washington. Vòng đàm phán ngày thứ Tư và thứ Năm (31/01 ) sẽ bàn luận về những yêu cầu thay đổi cấu trúc từ phía Mỹ và cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ của Trung Quốc.
Văn phòng của Lighthizer không lập tức phản hồi về thông tin trên. Tuy nhiên, những người thân cận với các cuộc thảo luận nội bộ của Mỹ cho biết ông Trump dường như muốn tiến tới một thỏa thuận. Tình thế dường như khá nguy trước hạn chót ngày 01/03/2019. Nếu các cuộc đàm phán tuần này thất bại thì Mỹ có thể nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc – một kết quả mà không bên nào muốn thấy.
Thế nhưng, cách vẽ ra một thỏa thuận mà có thể được chính quyền Donald Trump chấp nhận về mặt chính trị vẫn còn chưa rõ ràng, dựa trên nguồn tin thân cận. Còn quá nhiều vấn đề cần phải xem xét, khiến nhiều người nhận định các cuộc đàm phán có thể rơi vào thế khó khăn.
Các quan chức Mỹ thể hiện sự bực tức về sự chia rẽ nội bộ giữa những quan chức như ông Mnuchin – những người ủng hộ tiến tới thỏa thuận – và những người ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn, như ông Lighthizer. Cùng với đó, sự khó lường của ông Trump cũng khiến việc tạo ra một thỏa thuận trở nên rối rắm.
Kỳ vọng mong manh
Đối với những chuyên gia, kỳ vọng đạt được một bước tiến lớn lao trong tuần này là khá thấp.
“Vào cuối tuần này, chúng ta có lẽ sẽ nhận được một số tuyên bố khá nhạt nhẽo thể hiện các cuộc đàm phán thương mại có tiến triển”, David Dollar, từng là Đại diện của Bộ Tài chính Mỹ ở Trung Quốc tại Viện Brookings, nói tại một hội nghị vào ngày thứ Ba (29/01). “Tôi không nghĩ họ có thể tiến tới một thỏa thuận trong vài ngày tới”.
Sau khi ông Trump ngoảnh mặt với những gì đã nhất trí trong các cuộc đàm phán hồi tháng 5/2018, các quan chức cấp cao của Mỹ cũng lo ngại rằng chuyện tương tự có xảy ra một lần nữa. Ngoài ra, tình hình chính trị cũng trở nên rối rắm hơn, khi ông dọa sẽ đóng cửa Chính phủ nếu Quốc hội không đồng ý tài trợ cho bức tường biên giới với Mexico.
“Người duy nhất có thể quyết định về thỏa thuận là Donald Trump. Nhưng ông Trump khó mà làm thế trong tình hình hiện nay, vì ông đang đối mặt với quá nhiều chỉ trích ở trong nước”, Cheng Li, Giám đốc nghiên cứu tại John L. Thornton China Center của Viện Brookings, cho hay.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)