Vietstock - Các công cụ thường dùng trong Tỷ giá và hàng hóa
Thị trường ngoại hối và hàng hóa biến động tương đối khác so với thị trường chứng khoán nên các công cụ sử dụng khi phân tích cũng cần có sự điều chỉnh tương ứng để thích nghi.
Các tính chất của thị trường ngoại hối và hàng hóa
Thứ nhất là nhà đầu tư thường sử dụng các khung thời gian (timeframe) phân tích khá ngắn. Điển hình là các khung thời gian 1 phút, 5 phút, 30 phút… Điều này sẽ dẫn đến giá hay thay đổi và đảo chiều bất thường chứ không ổn định như trong các kỳ hạn dài.
Thứ hai là tỷ lệ sử dụng đòn bẩy rất cao. Nếu thấp thì khoảng 1:50 hay 1:100, nếu cao thì lên đến 1:500 hay thậm chí 1:1000.
Thứ ba là lượng nhà đầu tư tham gia rất lớn và đến từ rất nhiều quốc gia. Vì vậy, việc phán đoán xu hướng một cách chủ quan hoặc dựa trên các tin nội gián giống như trên thị trường chứng khoán hay làm sẽ khó có tác dụng.
Một số công cụ phân tích thường dùng trong Tỷ giá và hàng hóa
Nhóm Momentum. Nhóm Momentum là các chỉ báo giúp cho nhà đầu tư xác định được các dao động ngắn hạn của thị trường. Hay nói chính xác hơn, chúng giúp nắm bắt được các sóng dạng thứ cấp (secondary) trong một xu hướng lớn.
Các tín hiệu của nhóm này nhìn chung xuất hiện khá thường xuyên so với nhóm Moving Average. Bên cạnh đó, thời điểm xuất hiện tín hiệu khá sát với đáy hoặc đỉnh ngắn hạn gần nhất nên rất được các “tay chơi” tỷ giá và hàng hóa tin dùng.
Để tăng độ tin cậy và an toàn thì các trader thường chỉ lấy các tín hiệu mua bán ở trong vùng overbought và oversold.
Dưới đây là một ví dụ thực tế của chỉ báo Stochastic Oscillator (thuộc nhóm momentum) và giá vàng (đồ thị 1 giờ) để minh họa cho tính ưu việt của nhóm này.
Hình nến Nhật Bản (Candlesticks). Kỹ thuật phân tích hình nến (candlesticks) được người Nhật Bản phát minh ra từ hàng trăm năm trước. Munehisa Homma đã dùng kỹ thuật này để trở thành một trong những người giàu có nhất trong thời đại của mình ở Nhật Bản và ông cũng được phong tước vị Samurai.
Với bề dày lịch sử lâu đời như vậy, kỹ thuật trading dựa trên candlesticks đã cho thấy khả năng thích nghi mạnh mẽ ở gần như tất cả các thị trường (chứng khoán, hàng hóa, tỷ giá...) từ mức độ sơ khai cho đến thị trường đã phát triển lâu năm.
Các trader thường ít khi sử dụng một mẫu hình riêng lẻ mà kết hợp chúng với nhau (còn gọi là ghép nến) để tăng độ tin cậy trong giao dịch
Lịch Kinh tế (Economic Calendar). Do hầu như không thể sử dụng tin nội gián để trading tỷ giá (ít nhất thì điều này đúng ở Việt Nam) nên các nhà đầu tư chỉ còn cách là theo dõi sát sao các sự kiện kinh tế nổi bật trên thế giới.
Hầu hết các tập đoàn môi giới hàng đầu đều có cung cấp khá chi tiết và đầy đủ lịch kinh tế (economic calendar) nên nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận và theo dõi giống như ví dụ dưới đây (của lấy nguồn của Tập đoàn FxPro).
Phòng Tư vấn Vietstock