Vietstock - Tổng Kiểm toán Nhà nước: Tin Unilever nợ 575 tỷ tiền thuế là chính xác
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định Unilever là một dẫn chứng cho việc cơ quan thuế để sót, để lọt nguồn thu và phải tiến hành truy thu thuế trong thời gian tới.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc
|
Unilever phản pháo
Sau khi Tổng Kiểm toán Nhà nước phát công văn đề nghị Tổng Cục thuế tiến hành thu thuế và có biện pháp thu thuế đối với Unilever, doanh nghiệp này đã văn bản phản hồi thông tin.
Theo đó, ông Trần Vũ Hoài - Phó Chủ tịch Phát triển Bền vững và Đối ngoại Unilever Việt Nam - cho hay, về vấn đề thuế liên quan đến doanh nghiệp là vấn đề vướng mắc về thuế thu nhập doanh nghiệp cho đầu tư mở rộng giai đoạn 2009-2013 do có sự khác nhau trong luật thuế đầu tư và luật thuế thu nhập doanh nghiệp trước giai đoạn 2014.
Sự khác biệt này là nguyên nhân dẫn đến có sự hiểu khác nhau, cũng như gây nên bất cập đối với việc thực hiện trong thực tế của doanh nghiệp và cơ quan hữu trách.
“Vấn đề này đã được doanh nghiệp chúng tôi giải trình và kiến nghị với Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước nhằm tìm ra giải pháp thỏa đáng cho doanh nghiệp trên cơ sở tôn trọng pháp luật Việt Nam và tôn trọng thông lệ và pháp luật quốc tế…
Chúng tôi mong vấn đề này sẽ được giải quyết thấu đáo, đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp và tuân thủ pháp luật, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam”, ông Trần Vũ Hoài cho biết.
"Gần như doanh nghiệp nào cũng đưa ra các lý do để tránh nộp ngân sách"
Nói về phản hồi của phía Unilever, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng:
Hiện nay, đối với các doanh nghiệp sau khi kiểm toán hoặc thanh tra thuế, gần như doanh nghiệp nào cũng đưa ra các lý do để tránh nộp ngân sách.
Họ đưa ra lý lẽ cho rằng, họ làm đúng nhưng rồi họ không cung cấp được chứng cứ.
Ví dụ như các doanh nghiệp mở rộng sản xuất thì phải có hồ sơ, tài liệu chứng cứ để chứng minh doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nhưng ngay cả kiểm toán Nhà nước cho doanh nghiệp thời gian 6 tháng để cho doanh nghiệp cung cấp hồ sơ tài liệu thì doanh nghiệp vẫn không cung cấp được hồ sơ tài liệu.
“Đối với trường hợp của Unilever, trong quá trình làm việc với doanh nghiệp này, chúng tôi đã mời Cục thuế TP Hồ Chí Minh cùng ngồi chung và xác định đó là số thuế mà doanh nghiệp phải nộp.
Chúng tôi cũng đã cho doanh nghiệp cơ hội để đưa ra hồ sơ, tài liệu để chứng minh họ không phải nộp số tiền trên thì họ không chứng minh được. Chúng tôi có đầy đủ căn cứ để chứng minh đơn vị này nợ thuế”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nói.
Trước đó, tranh luận tại phiên làm việc của Quốc hội về dự Luật Quản lí thuế ngày 15.11, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề cập Unilever như một dẫn chứng cho việc cơ quan thuế để sót, để lọt nguồn thu.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra lại và xác định doanh nghiệp khai thiếu hàng trăm tỉ đồng. Theo ông Phớc, doanh nghiệp đã chấp nhận số liệu Kiểm toán Nhà nước đưa ra, nhưng đề nghị không phải nộp khoản phạt chậm nộp.
Tổng Kiểm toán Nhà nước đã phát công văn đề nghị Tổng Cục thuế tiến hành thu thuế và có biện pháp thu thuế đối với Unilever. Số thuế là 575 tỷ. Ngoài ra, doanh nghiệp có bị xử phạt chậm nộp hay không sẽ do cơ quan Thuế xem xét, căn cứ vào các quy định để đưa ra.
PHẠM DUNG