Vietstock - Con đường Huawei thành đại gia công nghệ toàn cầu
Sau hơn 30 năm, Huawei đã là hãng cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và hãng sản xuất smartphone lớn nhì toàn cầu.
Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch Huawei - Mạnh Vãn Chu (Meng Wenzhou) đã bị bắt tại Canada cách đây vài ngày theo yêu cầu của Mỹ, với cáo buộc liên quan đến việc Huawei vi phạm lệnh trừng phạt lên Iran. Việc này khiến Huawei ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu, khi được công bố đúng thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chỉ vừa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết cả Mỹ và Canada đều không giải thích lý do cho việc bắt giữ này.
Huawei hiện là hãng cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là hãng sản xuất smartphone lớn nhì toàn cầu, với 180.000 nhân viên. Doanh thu năm ngoái của hãng này là gần 92 tỷ USD. Tuy vậy, không như các đại gia công nghệ Trung Quốc khác, Huawei chủ yếu hoạt động tại thị trường nước ngoài. Họ là cái tên dẫn đầu tại nhiều quốc gia trên khắp châu Âu, châu Á và châu Phi.
Công ty này đến nay vẫn chưa niêm yết. Huawei cho biết họ là công ty do nhân viên làm chủ, dù cấu trúc sở hữu không được công khai.
Nhà sáng lập Huawei - Nhậm Chính Phi. Ảnh: AP
|
Huawei thành lập năm 1987 bởi Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei). Theo tiểu sử đăng tải trên website công ty, ông tốt nghiệp Đại học Trùng Khánh, từng có thời gian làm kỹ sư, sau đó gia nhập quân đội. Sau khi xuất ngũ, ông làm việc cho một tập đoàn dầu khí, trước khi thành lập Huawei.
Huawei có trụ sở tại Thâm Quyến - trung tâm công nghệ của Trung Quốc. Họ là cái tên đi tiên phong trong cung cấp thiết bị viễn thông tại đây, đúng thời điểm Trung Quốc chi mạnh tay để nâng cấp hệ thống mạng trong nước. Việc này đã giúp Huawei tăng trưởng tốt thời kỳ đầu.
Họ bắt đầu mở rộng cạnh tranh ra quốc tế vào thập niên 90, nổi tiếng với các sản phẩm giá rẻ đáng kể so với đối thủ. Nhiều công ty đã gọi Huawei là hãng bán thiết bị nhái giá rẻ. Các công ty như Cisco Systems và Motorola cũng từng nộp đơn kiện Huawei với cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại.
Tuy vậy, Huawei cũng chi rất mạnh tay cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) và hiện được coi là cái tên dẫn đầu trên thế giới về công nghệ mạng viễn thông chủ chốt. Gần đây, họ mới chuyển sang làm smartphone và hiện nắm 15% thị phần toàn cầu, sau Samsung và trên Apple (NASDAQ:AAPL).
Điện thoại Huawei khá phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, do giá rẻ và cấu hình mạnh. Trái lại, các đối thủ lớn phương Tây của Huawei, như Nokia hay Ericsson, lại chật vật về tài chính suốt nhiều năm gần đây.
Một smartphone của Huawei được giới thiệu tại một sự kiện. Ảnh: Reuters
|
Huawei cũng liên tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới, như sản xuất chip, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. Công ty này thường xuyên góp mặt trong danh sách Global 500 của Fortune - xếp hạng 500 công ty có doanh thu lớn nhất thế giới. Năm nay, họ đứng thứ 72.
Dù vậy, sản phẩm của Huawei luôn bị một số quốc gia nghi ngại, đặc biệt là Mỹ. Giới chức tình báo Mỹ cho rằng Huawei có quan hệ với Chính phủ Trung Quốc, và sản phẩm của họ sẽ được thiết kế "cửa sau" để phục vụ mục đích do thám. Dù vậy, chưa bằng chứng nào được công khai và Huawei cũng liên tục phủ nhận các cáo buộc này.
Sự lo ngại hiện tập trung vào công nghệ mạng 5G mà Huawei đang vượt trội trên thế giới. Việc Trung Quốc thông qua luật quy định mọi công ty trong nước phải hỗ trợ chính phủ khi được yêu cầu cũng khiến nhiều nước chùn chân trước việc hợp tác với Huawei.
Chính phủ Mỹ đã thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm ngăn công ty này tham gia thị trường Mỹ, như cấm chính phủ mua thiết bị của Huawei và không hỗ trợ các nhà mạng sử dụng thiết bị của công ty này. Hai nhà mạng hàng đầu Mỹ - Verizon Communications và AT&T cũng đã hủy kế hoạch bán smartphone Huawei đầu năm nay.
Australia và New Zealand gần đây đã cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G nước này. Một số nước khác, trong đó có Đức, cũng được cho là đang cân nhắc vấn đề trên.
Năm ngoái, ZTE - đối thủ đồng hương của Huawei đã thừa nhận vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ, khi bán thiết bị của Mỹ sang Iran. Đầu năm nay, Bộ Thương mại Mỹ cấm các công ty trong nước bán hàng cho ZTE, khiến công ty này khốn đốn suốt nhiều tháng vì hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Lệnh cấm này gần đây mới được gỡ bỏ.
Giới phân tích cho rằng lệnh cấm tương tự áp lên Huawei sẽ có sức tàn phá rất lớn. Tuy vậy, khả năng việc này xảy ra còn chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, điểm khác biệt quan trọng giữa Huawei và ZTE là Huawei không phụ thuộc lớn vào các nhà cung cấp bên ngoài, như Qualcomm, để có chip sản xuất smartphone. Hai phần ba thiết bị cầm tay của Huawei sử dụng chip tự tạo, Sean Kao - nhà phân tích phần cứng tại hãng nghiên cứu IDC cho biết. Còn nếu scandal này khiến các nước châu Âu lớn quay lưng với Huawei, đó mới là việc có tác động dài hạn lên tăng trưởng và tầm ảnh hưởng của công ty này.
Dù vậy, Huawei vẫn là trụ cột trong ngành công nghệ cao của Trung Quốc. Đây lại là thời điểm Trung Quốc đang chạy đua bắt kịp Mỹ trong các lĩnh vực khó, như sản xuất chip. Giới quan sát cho rằng điều này có nghĩa Huawei sẽ còn là một thế lực lớn trong nhiều năm nữa.
Hà Thu (tổng hợp)