Black Friday đã tới! InvestingPro giảm tới 60% OFF! Đừng bỏ lỡ!NHẬN ƯU ĐÃI

'Soi' kinh tế ngầm quy mô 60 tỉ đô ở Việt Nam

Ngày đăng 21:30 18/01/2018
'Soi' kinh tế ngầm quy mô 60 tỉ đô ở Việt Nam

Vietstock - 'Soi' kinh tế ngầm quy mô 60 tỉ đô ở Việt Nam

Nghiên cứu của Đại học Fulbright cho thấy quy mô nền kinh tế ngầm Việt Nam hiện chiếm 25-30% GDP. Diện mạo của nền kinh tế nơi làm việc của 57% lao động này như thế nào?

Dùng tiền mặt và cho vay ngoài ngân hàng là bộ phận quan trọng của kinh tế ngầm tại Việt Nam - Ảnh: Q.ĐỊNH

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nền kinh tế chưa được quan sát bao gồm cả nền kinh tế ngầm, nền kinh tế phi chính thức và cả nền kinh tế bất hợp pháp. Sự tồn tại kinh tế ngầm bên cạnh nền kinh tế chính thức, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, đang được thừa nhận như một thực tế cuộc sống.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tuấn nói:

- Điểm chung của kinh tế ngầm là những hoạt động kinh tế mà Nhà nước chưa thể phân loại, thống kê, ghi chép và theo dõi, quản lý được. Trong nhiều trường hợp, ngầm không nhất thiết là bất hợp pháp. Nhận diện được nền kinh tế thì chúng ta mới có cách ứng xử như đề ra của Phó thủ tướng là hoàn thiện đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Ảnh: H.Q.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư hoàn thiện đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để biên soạn số liệu thống kê phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn quy mô của nền kinh tế bao gồm cả phần kinh tế ngầm, phi chính thức, tự cung tự cấp, tự tiêu... Việc này nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

* Đóng góp của kinh tế ngầm ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?

- Tại Việt Nam, hiện nay chúng ta sử dụng lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức chiếm đến 57% lực lượng lao động xã hội, mức này giảm nhẹ so với trước.

Nếu phân ra giá trị sản xuất, khu vực kinh tế phi chính thức tạo ra 20-30% GDP cho nền kinh tế. Đây là nhóm đang có hoạt động kinh doanh tránh thuế hay các ràng buộc hành chính thuế.

Kinh tế ngầm ở một phương diện nào đó nó là mạng lưới an toàn cho nền kinh tế, nó hấp thu những cú sốc nền kinh tế rất tốt.

Đề án mà Chính phủ đưa ra để thống kê được nhóm này rất quan trọng, đòi hỏi cơ quan thực hiện phải hoàn thiện các chỉ tiêu thống kê.

* Đâu là những yếu tố ảnh hưởng đến sự gia tăng quy mô của kinh tế ngầm ở Việt Nam?

- Đầu tiên là phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế vĩ mô của một quốc gia. Tăng trưởng nền kinh tế sẽ đi ngược chiều với quy mô kinh tế ngầm. Theo nghiên cứu gần đây nhất, nền kinh tế ngầm của Việt Nam chiếm trung bình khoảng 15,1% GDP trong giai đoạn 1991-2015.

Nếu tăng trưởng kinh tế tốt thì nền kinh tế phi chức thức sẽ giảm đi. Nếu nền kinh tế suy thoái, các thành phần kinh tế có xu hướng núp mình. Nhiều nghiên cứu cho thấy trong thời điểm kinh tế Việt Nam suy thoái thì kinh tế ngầm tăng lên hơn 25%.

Trình độ phát triển cao thì kinh tế phi chính thức sẽ tự động giảm đi.

Tiếp theo là môi trường kinh doanh có hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn không? Điều này thể hiện rõ ở chi phí kinh doanh, chi phí giao dịch có khuyến khích người dân làm ăn kinh doanh minh bạch.

Các chính sách thuế cao thường khuyến khích các giao dịch phi chính thức, không khai báo. Điều này khuyến khích người lao động né tránh các khoản thuế và đóng góp bằng cách gia nhập vào khu vực kinh tế ngầm.

Một mặt nào đó, sự gia tăng của kinh tế ngầm đôi khi là phản ứng của người dân đối với sự quá tải về gánh nặng thuế, phí. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ mạnh cũng sẽ không khuyến khích được cá nhân, doanh nghiệp chuyển qua khu vực chính thức.

Do đó môi trường kinh doanh phải được không ngừng thúc đẩy, kích thích tinh thần khởi sự doanh nghiệp của người dân, giảm thiểu cơ hội phát triển của kinh tế phi chính thức.

Đồ họa: VĨ CƯỜNG

* Vậy theo ông, cần làm gì để hạn chế hay thu hẹp quy mô nền kinh tế ngầm?

- Nếu Nhà nước bảo vệ tốt, cơ quan thuế, hải quan không quấy nhiễu thì người dân không có lý do gì phải ẩn mình.

Một môi trường kinh doanh thông thoáng, điều kiện kinh doanh bảo vệ doanh nghiệp phải được thực thi đầy đủ sẽ giúp họ tự tin.

Nhiều nghiên cứu cho thấy sự phát triển của hệ thống tài chính, khuyến khích không sử dụng tiền mặt cũng sẽ giảm động cơ của kinh tế phi chính thức. Những giao dịch bằng tiền mặt cần thay thế bằng những giao dịch được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, không thể thiếu yếu tố con người. Kỹ năng lao động sẽ quyết định cách thức tham gia thị trường lao động. Nếu lao động có tay nghề, trình độ được thừa nhận, họ sẽ không chấp nhận phải làm việc trong các điều kiện không chính thức.

Cuối cùng là văn hóa tuân thủ pháp luật. Một quốc gia có những chuẩn mực về đạo đức kinh doanh thì cơ hội cho chi phí không chính thức sẽ giảm đi rất nhiều. Việt Nam vẫn đang phổ biến mô hình kinh tế gia đình, buôn bán vỉa hè, chủ tiệm tạp hóa... Cần phổ biến thông tin để người dân dần thay đổi tập quán kinh doanh.

Hiện nay, các quốc gia đều cố gắng kiểm soát nhằm giảm quy mô kinh tế ngầm và có nhiều biện pháp dành cho khu vực kinh tế phi chính thức. Theo tôi, điều quan trọng để giảm quy mô kinh tế phi chính thức là tăng cường thể chế, kiểm soát tham nhũng...

Nếu môi trường kinh doanh tăng trưởng tốt, thuận lợi thì sẽ khuyến khích người dân khởi sự doanh nghiệp, hoạt động mạnh mẽ trong kinh tế chính thức.

* Chúng ta đang nói đến chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Vậy việc nhận diện được chân dung nền kinh tế ngầm có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam?

- Hiện nay trong khoảng 25-30% GDP ước tính quy mô của kinh tế ngầm. Nếu nỗ lực như đề án của Chính phủ - hi vọng nhận diện thêm được 10-15% quy mô GDP của bộ phận này - thì sẽ có ý nghĩa rất lớn. Đây là khu vực mà lâu nay bị bỏ sót khỏi các chỉ tiêu thống kê.

Do đó, nhà thống kê phải tăng cường khả năng tiếp cận nhóm kinh tế phi chính thức mới thu thập được thông tin cần thiết.

Quan trọng khi nhận diện được hoạt động của khu vực kinh tế này, phải hiểu rõ thực sự nó đang chiếm bao nhiêu phần trăm nền kinh tế, động năng tăng trưởng của khu vực này là gì, nó đang gắn kết như thế nào với khu vực kinh tế chính thức... để từ đó có chính sách nâng đỡ, chuyển đổi các thành phần này sang khu vực kinh tế chính thức. Đối với nhóm kinh tế phi pháp thì nỗ lực kiểm soát, xóa bỏ.

* Bước tiếp theo của việc thống kê này là gì, theo ông?

- Chính phủ đặt quyết tâm và tập trung vào nhiệm vụ tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, trong đó là kéo nhóm thu nhập thấp tiệm cận với thu nhập trung bình và thu nhập cao.

Để làm được điều này thì phải hiểu thực trạng của khu vực phi chính thức đang là sinh kế của gần 60% lao động trong xã hội. Biết nó cần gì, thiếu gì để hỗ trợ và nâng đỡ, cải thiện nó. Khi đó mới cải thiện được nhóm kinh tế phi chính thức.

Từ trước đến nay, chúng ta đang hoạch định chính sách chỉ cho một nhóm mà bỏ qua các thành phần lao động phi chính thức. Các đề án cải cách kinh tế dường như chỉ tập trung vào các điểm nghẽn chính như đầu tư công, tập đoàn nhà nước, khu vực doanh nghiệp nhà nước mà chưa đề cập đến nhóm kinh tế ngầm.

Trong khi kinh tế phi chính thức đang gánh vai trò của nó là tạo việc làm cho hàng triệu lao động, hấp thu số lao động dôi dư trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế như hiện tượng lao động các nhà máy, khu công nghiệp trở về quê làm nông, hoặc buôn bán trên vỉa hè. Không tính họ vào các chính sách phát triển kinh tế là thiếu sót.

Do đó, theo tôi, đây là thời điểm thích hợp để bổ sung, điều chỉnh, gắn với những yêu cầu đòi hỏi và nhận diện đúng đối tượng này, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta theo đuổi chính sách tăng trưởng bao trùm.

NHƯ BÌNH

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.