Vietstock - Vì sao GDP quý I tăng kỷ lục 10 năm qua?
Đà tăng trưởng mạnh 6 tháng cuối năm 2017 đã góp lực giúp GDP quý I đạt mức tăng ấn tượng.
Theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê, tăng trưởng quý I/2018 đạt 7,38% so với cùng kỳ. Với mức tăng 9,7% trong quý này, công nghiệp và xây dựng góp 3,39 điểm phần trăm vào mức tăng chung của GDP, kế đến là dịch vụ tăng 6,7% và góp 2,75 điểm phần trăm; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,05%, góp 0,46 điểm phần trăm.
"Đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây", ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê nói.
Lý giải mức tăng trưởng ấn tượng này, theo ông Lâm, trước tiên nhờ tiếp đà tăng của 6 tháng cuối năm ngoái. "Quy mô GDP quý I lớn hơn nhiều so với cùng kỳ do "tích lũy được đà tăng trưởng của quý III và IV/2017", ông Lâm nói.
Ngoài ra, sản xuất Việt Nam thường tăng trưởng có tính mùa vụ, đầu năm mức tăng trưởng thường thấp. Các năm trước có hiện tượng sản xuất theo mùa vụ nên tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Năm nay yếu tố mùa vụ có nhưng không tác động nhiều như các năm trước.
GDP quý I tăng mạnh còn có sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp với mức trên 4%, mức tăng mạnh nhất trong 13 năm qua. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu, du lịch, tiêu dùng trong dân cư... cũng đóng góp đáng kể cho tăng trưởng.
Trong số động lực tăng trưởng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được nhắc tới như là điểm cộng góp vào mức tăng GDP quý I. Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho biết đóng góp lớn vào mức tăng trưởng cao này chủ yếu từ ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,59% so với cùng kỳ và ngành khai khoáng đã có mức tăng dương trở lại (0,4%) sau 2 năm liên tục âm. Nêu chi tiết hơn, ông Thúy cho hay, đóng góp chính cho tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý I chủ yếu là sản xuất thiết bị điện tử và linh kiện, đặc biệt là Samsung. Nếu năm 2010 sản xuất linh kiện, điện thoại di động mới góp 9,9% giá trị tăng thêm ngành công nghiệp thì năm 2015 đã tăng lên 17,8%.
"Ước tính năm 2018, giá trị sản xuất của Samsung sẽ tăng khoảng 18% so với năm 2017. Trong quý II tăng trưởng của Samsung sẽ tiếp đà của quý I, song tỷ lệ tăng dự kiến giảm trong quý III và quý IV năm nay", ông Thúy cho biết.
Sản xuất linh kiện, điện thoại di động của Samsung góp phần lớn vào tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp.
|
Một doanh nghiệp ngoại khác cũng được nhắc tên là Formosa. Năm 2018 dự kiến giá trị sản xuất của Formosa được đánh giá là nhanh, mức tăng 26,7%, nhưng đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam chưa nhiều.
Bổ sung thêm, ông Lâm cho rằng, kinh tế Việt Nam có sự phụ thuộc nhất định vào doanh nghiệp FDI bởi một số lĩnh vực không thể trông chờ doanh nghiệp trong nước. "Nói sự phụ thuộc phần lớn vào doanh nghiệp ngoại là nguy cơ với tăng trưởng kinh tế về lâu dài tôi e hơi quá. Chúng ta coi trọng đầu tư nước ngoài và cũng cần có giải pháp ứng phó, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển", ông Lâm nhìn nhận.
Kinh tế quý I đạt mức tăng ấn tượng nhưng theo các chuyên gia chưa thể vội mừng khi vẫn còn nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro tác động tới nền kinh tế năm 2018. Đánh giá các động lực tăng trưởng ông Nguyễn Bích Lâm nhìn nhận, mục tiêu GDP cả năm 6,7% là thách thức chứ không đơn giản dễ dàng đạt được.
"Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay không còn quý sau hơn quý trước nữa. Tăng trưởng quí III, IV sẽ chững lại. Nếu không có giải pháp thúc đẩy thì mục tiêu tăng trưởng năm nay đạt 6,7% là thách thức", Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cảnh báo.
Tiến sĩ Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đồng tình với nhận định trên. Theo ông tốc độ tăng trưởng quý sau vẫn sẽ cao hơn quý trước song mức độ tăng không nhiều. "Ba quý cuối năm 2017, tăng trưởng kinh tế đã rất cao, năm nay đứng trên cái nền cao hơn, nên càng khó có sự tăng trưởng mạnh mẽ", ông bình luận.
Chưa kể, số liệu cơ quan thống kê cũng cho thấy quý I cả nước xuất siêu 1,3 tỷ USD, đồng nghĩa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào bên ngoài và các doanh nghiệp ngoại như Samsung. "Độ mở nền kinh tế rất lớn, quý I hơn 200%, nếu yếu tố bên ngoài rủi ro lập tức sẽ ảnh hưởng tới kinh tế trong nước", Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê bình luận và nhắc tới những tác động bên ngoài rủi ro như chiến tranh thương mại hay việc Mỹ giảm thuế trong nước và tăng thuế với nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam như cá tra, thép, tôn mạ...
Rủi ro khác cũng được các chuyên gia lưu ý là lạm phát có khả năng tăng cao do chịu áp lực rất lớn từ xu hướng điều chỉnh loạt giá dịch vụ công (giá dịch vụ y tế, học phí...) và dự báo giá dầu thô tăng lên 70-80 USD một thùng... Việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, hay thuế thu nhập cá nhân theo đề xuất của Bộ Tài chính... cũng sẽ là nhân tố làm giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao.
Một báo cáo từ nhóm nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân vừa được công bố chỉ ra thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào gia tăng tổng đầu tư và tăng trưởng tín dụng trong khi chất lượng các nguồn lực còn thấp. Vì thế Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế nhấn mạnh, Việt Nam cần tư duy lại về sự phát triển của doanh nghiệp Việt, lấy nền tảng khu vực tư nhân và trụ cột là các tập đoàn kinh tế tư nhân để tạo sức bật cho nền kinh tế.
Anh Minh