Vietstock - Fitch: Hệ thống ngân hàng Việt cần 20 tỷ USD để đáp ứng Basel II
Thời hạn áp dụng Basel II đến gần nhưng các ngân hàng vẫn chưa có cách tăng được số vốn tương đương tới 9% GDP Việt Nam.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa ra báo cáo đánh giá về nhu cầu vốn ngắn hạn của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo đánh giá của Fitch, hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể phải đối mặt với mức thiếu hụt vốn gần 20 tỷ USD (tương đương 9% GDP) để đáp ứng việc triển khai tiêu chuẩn Basel II, dự kiến sẽ áp dụng từ 1/1/2020.
Theo Fitch, các ngân hàng có thể đẩy mạnh phát hành tăng vốn trong 18 tháng tới, điều này có thể cải thiện hồ sơ tín dụng của các ngân hàng được xếp hạng nếu tăng vốn thành công. Tuy nhiên, thị trường vốn trong nước thiếu chiều sâu có thể là rào cản cho việc này, đặc biệt khi một số ngân hàng có sở hữu nước ngoài đã gần tới mức giới hạn.
Giao dịch tại quầy của một ngân hàng thương mại. Ảnh: Anh Tú.
|
Việc triển khai tiêu chuẩn Basel II đòi hỏi nhóm ngân hàng được Fitch xếp hạng phải tăng vốn thêm 4,1 tỷ USD, giả sử họ đặt mục tiêu tỷ lệ an toàn vốn ở mức tối thiểu theo quy định này là 8%. Ước tính này dựa trên đánh giá của Fitch rằng Basel II sẽ tăng tỷ trọng tài sản có rủi ro trung bình lên 42%. Con số này có tính đến ảnh hưởng từ rủi ro tín dụng, chi phí vốn cho hoạt động và rủi ro thị trường. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng tăng mức trích lập dự phòng, mức thiếu hụt vốn tối thiểu có thể tăng lên 6,5 tỷ USD.
Trên thực tế, theo đánh giá hãng xếp hạng tín nhiệm này, nhu cầu vốn của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể lớn gấp ba lần so với các ngân hàng được Fitch xếp hạng. Nhóm này chỉ chiếm 40% tổng tài sản hệ thống vào cuối năm 2017 và có mức vốn hóa tốt hơn trung bình ngành. Các ngân hàng quốc doanh có thể cần tăng vốn cao hơn, bởi cơ sở vốn thấp hơn và lợi nhuận yếu hơn so với các ngân hàng tư nhân.
Tuy nhiên, rào cản với việc tăng vốn của hệ thống ngân hàng là thị trường huy động vốn trong nước chưa tương xứng. Tổng tài sản hệ thống ngân hàng đạt hơn 200% GDP vào cuối năm 2017, trong khi tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán của Sở HoSE chỉ khoảng 45% GDP. Mức vốn hóa của phần giao dịch tự do trên thị trường còn thấp hơn nữa, chỉ khoảng 15% GDP.
Điều này khiến các ngân hàng phụ thuộc vào những nhà đầu tư nước ngoài để có thể tăng vốn. Tuy vậy, việc một số nhà băng đã tiến gần tới giới hạn 30% sở hữu nước ngoài như VietinBank hay ACB khiến việc tăng vốn trở nên thử thách.
Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu có khả năng giảm gánh nặng vốn đối với một số nhà băng, tuy nhiên theo đánh giá của Fitch, ảnh hưởng này sẽ không đáng kể. Ngoài biện pháp này, các ngân hàng có thể tăng vốn cấp 2 như một biện pháp ngắn hạn để đáp ứng các yêu cầu về vốn tối thiểu theo quy định, nhưng quy mô vốn cấp 2 cũng bị giới hạn căn cứ theo vốn cấp 1.
Minh Sơn