Vietstock - Nguyễn Xuân Sơn bỏ túi 246 tỷ của Ocean Bank ra sao?
Trong số hơn 2.000 tỷ đồng mà Ocean Bank thiệt hại, cơ quan tố tụng kết luận có 246 tỷ đồng đã về túi của Nguyễn Xuân Sơn. Số tiền này bị chiếm đoạt như thế nào? Tiền đã “chảy” đi đâu?
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Ảnh: C.V.K
|
Trong vụ đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương - Ocean Bank, bước đầu Viện KSND Tối cao xác định các bị can đã gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, 246 tỷ là do Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch HĐTV tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt, tham ô.
Cáo trạng đã phần nào làm rõ được những uẩn khúc, đường đi của số tiền khổng lồ này. Ngoài số tiền hơn 2.000 tỷ đã được làm rõ, còn hàng ngàn tỷ đồng khác, có dấu hiệu vi phạm pháp luật được tách ra để làm rõ trong giai đoạn hai của vụ án.
Quan hệ - tiền tệ
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, năm 2011, Hà Văn Thắm (bị can chính trong vụ án - nguyên chủ tịch HĐQT Ocean Bank) ra chủ trương chi trả lãi suất ngoài hợp đồng tiền gửi cho khách hàng để thu hút khách đến gửi tiền.
Chủ trương này đã được hầu hết các các lãnh đạo Ocean Bank và các chi nhánh, phòng giao dịch của Ocean Bank thực hiện triệt để.
Ngoài việc thỏa thuận góp vốn vào Ocean Bank, mua 20% cổ phần để trở thành cổ đông, đối tác chiến lược của Ocean Bank thì PVN còn là khách hàng tiềm năng vô cùng lớn với số tiền nhàn rỗi hàng ngàn tỷ đồng.
Cuối năm 2008, khi Nguyễn Xuân Sơn đang là Tổng giám đốc Công ty Tài chính dầu khí (một thành viên của PVN) thì được cử làm thành viên HĐQT - Tổng giám đốc Ocean Bank (ông Sơn giữ chức vụ này từ ngày 1-1-2009 tới 15-11-2010).
Theo lời khai của Hà Văn Thắm, khi đã là tổng giám đốc Ocean Bank, Nguyễn Xuân Sơn bàn và gợi ý Thắm thực hiện hai vấn đề nếu muốn huy động được nguồn vốn khổng lồ của PVN.
Thứ nhất, Ocean Bank phải chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi theo quy định. Thứ hai, phải giao cho Sơn toàn quyền quyết định về mức chi và cách chi cụ thể, không cần bàn bạc, xin ý kiến của Thắm.
Do là ngân hàng có quy mô nhỏ, khó cạnh tranh trong huy động vốn nên Thắm chấp thuận để khoảng 1% tổng số tiền huy động được để Sơn tự quyết, nhằm huy động được tiền của nhóm khách hàng thuộc PVN.
Để có tiền chi cho các khoản này, Thắm đã thông qua các công ty con của mình, chỉ đạo các bị can khác thực hiện các thao tác kỹ thuật để thu phí dịch vụ của khách hàng vay tiền và “phù phép” nhiều hợp đồng dịch vụ khống nhằm rút tiền của Ocean Bank - giao cho Sơn chủ động chi lãi suất ngoài trong quá trình huy động vốn.
Theo điều tra, trong tổng số hơn 1,57 ngàn tỷ đồng bị thất thoát qua việc chi lãi suất ngoài, có hơn 246 tỷ được giao trực tiếp cho Nguyễn Xuân Sơn.
Hầu hết số tiền này được giao thông qua Nguyễn Xuân Thắng - lúc này đang giữ chức phó giám đốc khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược (Thắng là em con chú ruột của Nguyễn Xuân Sơn).
Bị cáo Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa sơ thẩm xử vụ án này tháng 3-2017 - Ảnh: Thân Hoàng
|
Hàng trăm tỷ mua nhà đất, chi xài cá nhân
Cáo trạng của Viện kiểm sát cũng xác định trong số hơn 246 tỷ Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt, có hơn 226 tỷ thông qua bị can Nguyễn Xuân Thắng, còn lại 20 tỷ đồng được chuyển qua Võ Việt Trung - nguyên phó tổng giám đốc Ocean Bank.
Theo lời khai của Thắng, từ khi Sơn về giữ chức phó tổng giám đốc PVN, Sơn thường nhờ Thắng lấy tiền giúp từ Ocean Bank. Mỗi lần nhờ, Sơn nói Thắng lấy cụ thể số tiền bao nhiêu, loại tiền gì, và chỉ định rõ là “lấy từ chỗ anh Thắm”.
Thắng sẽ gặp Hà Văn Thắm truyền đạt lại ý kiến của Sơn và chờ Thắm sắp xếp sẽ nhận tiền tại phòng giao dịch hay chi nhánh nào đó của Ocean Bank.
Thường thì Thắng nhận tiền vào cuối giờ chiều. Khi nhận tiền, Thắng không cần phải ký loại giấy tờ gì vì đã có điện thoại chỉ đạo từ trên xuống từ trước đó. Việc lấy tiền giúp này kéo dài từ đầu năm 2011 tới giữa năm 2014 mới chấm dứt.
Theo điều tra, hồ sơ giấy tờ giao dịch và các tài liệu khác của ngân hàng cho thấy tổng số tiền Thắng đã nhận để chuyển cho Sơn là hơn 226 tỷ đồng.
Cũng theo lời khai của Thắng và các bị can liên quan, sau khi nhận tiền, Sơn vài lần nhờ Thắng đem tiền đi mua đất dự án, có lần giao trực tiếp, cũng có lần nhờ Thắng mang nhiều tỷ đồng đi mua đất nhưng lại… đứng tên con trai của một nguyên lãnh đạo PVN.
Cáo trạng còn thể hiện, tháng 4-2014, Thắng nhận 20 tỷ đồng từ Ocean Bank theo chỉ đạo của Sơn, sau đó đổi được 700 ngàn Euro giao cho Sơn tại nhà riêng ở khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Một lần khác, cũng vào giữa năm 2014, Sơn nhờ Thắng lấy 300 ngàn USD tại phòng giao dịch của Ocean Bank tại Trung Yên, Hà Nội để giao cho Sơn tại phòng làm vệc của Sơn.
Trong giai đoạn đầu của vụ án, Nguyễn Xuân Sơn khai đã nhận khoảng 200 tỷ đồng của Ocean Bank thông qua Thắng, trong số này đã giao khoảng 120 tỷ cho kế toán của PVN vào thời điểm này. Phần còn lại khoảng 80 tỷ, Sơn nhờ một người khác giữ giúp, tới năm 2015 đã nhận lại hết.
Công an khám xét nhà của nguyên Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Nguyễn Xuân Sơn tháng 7-2015 - Ảnh: Nguyễn Khánh
|
Cáo trạng cũng thể hiện Võ Việt Trung (lúc này là phó tổng giám đốc của Ocean Bank phụ trách khu vực phía Nam) khai có nhận 20 tỷ đồng vào tài khoản vào cuối tháng 8-2013.
Sau đó Hà Văn Thắm chỉ đạo chuyển số tiền này cho một người tên Đông - bạn của Sơn, ông Trung thực hiện theo lệnh mà không biết số tiền này là tiền gì.
Nguyễn Xuân Sơn khai nhận lúc này dự định mua nhà tại dự án ở trung tâm TP.HCM (đối diện với UBND TP). Đông đã nhận tiền từ ông Trung và đổi thành 900 ngàn USD giao cho Sơn để Sơn mua nhà, tuy nhiên sau đó không mua được, Sơn mang số tiền này chi tiêu hết.
Dù đã khai tại cơ quan điều tra với các nội dung này, nhưng sau đó Nguyễn Xuân Sơn phủ nhận lời khai, không thừa nhận đã nhận hơn 200 tỷ đồng này.
Tuy nhiên, cáo trạng của VKS xác định qua tài liệu chứng cứ thu thập được và lời khai của các bị can khác đều trùng khớp về thời gian, địa điểm, số tiền giao dịch nên có đủ cơ sở để xác định Nguyễn Xuân Sơn đã lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt và tham ô tổng cộng hơn 246 tỷ.