Vietstock - Nhà băng Việt có thể xác thực khách hàng bằng vân tay, ảnh selfie
Dữ liệu về vân tay, ảnh chân dung... của 90 triệu dân sẽ được ngành công an thu thập xong vào cuối năm 2019 nhưng cần sửa Luật để chia sẻ cho các ngân hàng.
Bản chất của một ngân hàng số là không có chi nhánh, quầy giao dịch nên không thể yêu cầu khách đến trình diện tận nơi với những hồ sơ chứng từ vật lý. Do đó, chia sẻ tại buổi hội thảo về Hành lang pháp lý cho ngân hàng số mới đây, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, vướng mắc lớn nhất của ngân hàng số hiện nay chính là ở khâu nhận diện khách hàng.
"Chúng tôi mong một khách hàng khi tới ngân hàng số sẽ không còn giao dịch viên nữa, ở đó chỉ có thiết bị cho phép nhận dạng khuôn mặt, vân tay. Dữ liệu sẽ được gửi sang cơ sở dữ liệu quốc gia của Bộ Công an, từ đó lập tức có kết quả trả về cho biết khách hàng là ai", ông Dũng nói.
Thông tin về vân tay điện tử của 90 triệu dân đang được Bộ Công an thu thập.
|
Chia sẻ tại hội thảo này, ông Trần Hồng Phú - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Đăng ký Quản lý cư trú và Dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công An) cho biết, việc này là hoàn toàn có thể làm được, nhưng phải sửa đổi về Luật.
Thực tế, Bộ Công an đang được Chính phủ giao xây dựng 2 cơ sở dữ liệu quốc gia và phải hoàn thành trước 1/1/2020. Một là dữ liệu dân cư với 15 trường thông tin cơ bản của 90 triệu dân, dữ liệu này có thể dùng chung cho tất cả các Bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước, khắc phục tình trạng người dân phải có nhiều giấy tờ khi làm các thủ tục.
Hai là cơ sở dữ liệu căn cước công dân, bổ sung thêm một số trường thông tin của 90 triệu dân như vân tay, ảnh chân dung... "Cơ sở dữ liệu này có thể đáp ứng cho nhu cầu của ngành ngân hàng trong lĩnh vực số hoá. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, nó lại là dữ liệu chuyên ngành, chỉ được dùng trong ngành công an. Do đó, muốn dùng chung cần phải sửa đổi Luật và có thể phải thu thập nhiều thông tin hơn cho các dịch vụ ngân hàng số", ông Trần Hồng Phú cho biết.
Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng sinh trắc học để áp dụng cho thanh toán điện tử cũng như Chính phủ điện tử thành công, trong đó có Ấn Độ. Suốt 8 năm qua, nước này đã xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia, ấn định cho mỗi người một mã riêng gồm 12 số. Mã này có tên Aadhaar, chứa cả các dữ liệu sinh trắc học như vân tay và mống mắt. Đến nay, hơn 1,1 tỷ người tại Ấn Độ đã có mã này, trên tổng số 1,3 tỷ dân. Việc xác minh danh tính cần cho rất nhiều hoạt động, từ đăng ký thuê bao điện thoại, mua vé tàu đến nhận cơm trưa miễn phí tại trường.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam thì lại dẫn một ví dụ khác là Hàn Quốc với trường hợp xác thực khách hàng của ngân hàng số Kakao Bank. Nếu chưa có sẵn tài khoản, Kakao Bank sẽ chuyển khoản một số tiền rất nhỏ, 1 won, tới tài khoản do khách hàng cung cấp với nội dung chuyển tiền là mã xác nhận. Mã này được người dùng nhập vào ứng dụng để hoàn tất quy trình định danh. Còn nếu chưa từng mở tài khoản tại bất kỳ ngân hàng nào ở Hàn Quốc, khách hàng có thể gọi video với nhân viên của Kakao Bank sau khi gửi bản sao của thẻ định danh qua email hoặc qua ứng dụng để hoàn tất quá trình định danh.
"Trung bình, khách hàng mất từ 3 đến 7 phút để mở một tài khoản tại Kakao Bank và khoảng 60 giây cho một khoản vay 2.600 USD. Tháng đầu tiên ra mắt, ngân hàng này đã thu hút 3 triệu người dùng, với lượng tiền gửi lên tới 2.000 tỷ won (tương ứng với 1,78 tỷ USD) và cho vay tới 1.800 tỷ won", bà Dương thông tin.
Cũng tại hội thảo, ông Đặng Đức Huy, Phó giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, SCB cho biết, sẽ rất hiệu quả nếu các ngân hàng được kết nối trực tiếp với các trung tâm dữ liệu về căn cước công dân của Chính phủ, xác thực chữ ký điện tử hoặc so sánh các thông tin sinh trắc học của khách hàng. "Luật Giao dịch điện tử đã được Chính phủ ban hành. Tuy nhiên các quy định về chữ ký số, chứng từ điện tử, tính pháp lý khi xảy ra tranh chấp chưa được quy định. Do đó để làm điều này đòi hỏi Chính phủ phải đồng nhất từ nền tảng hạ tầng đến vấn đề pháp lý, làm thế nào để chứng từ điện tử, chữ ký điện tử được công nhận và được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng", ông Huy nói.
Việc xác thực điện tử với khách hàng, theo lãnh đạo các ngân hàng, an toàn và thuận lợi hơn so với phương thức xác thực tại quầy truyền thống bởi nhiều trường hợp các giao dịch viên phải đối mặt với những CMND giả, bóc ảnh cũ dán ảnh mới.
Dữ liệu được chia sẻ là mong muốn của hầu hết ngân hàng khi triển khai số hoá. Ngoài muốn kết nối với dữ liệu dân cư, căn cước của ngành công an, theo ông Phạm Hoàng Hải - Tổng giám đốc HSBC, cần có sự kết nối chia sẻ giữa hệ thống ngân hàng với trung tâm dữ liệu của SCIC. "Ngân hàng số là khi một cá nhân tới phòng giao dịch, chỉ mất 3' để toàn hệ thống định dạng khách hàng đó là ai", ông Hải nói.
Thanh Thanh Lan