Vietstock - Moody’s nâng đánh giá tín nhiệm đối với nhiều ngân hàng Việt
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody’s) vừa mới nâng bậc xếp hạng nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ dài hạn và xếp hạng tiền gửi nội tệ dài hạn đối với 5 ngân hàng Việt Nam, đồng thời giữ nguyên bậc của 11 ngân hàng Việt khác.
Ngoài ra, Moody’s cũng nâng bậc tiền gửi bằng ngoại tệ dài hạn của hai ngân hàng Việt Nam và giữ nguyên đối với 14 ngân hàng còn lại.
Cùng lúc đó, Moody's đã nâng bậc Xếp hạng Rủi ro Đối tác dài hạn (CRRs) và Đánh giá Rủi ro Đối tác (CRA) đối với 8 ngân hàng, đồng thời giữ nguyên bậc của 8 ngân hàng còn lại. Cuối cùng, Moody’s nâng đánh giá tín dụng cơ sở (BCAs) và BCA điều chỉnh của 12 ngân hàng, đồng thời giữ nguyên xếp hạng của 4 ngân hàng khác.
Đáng chú ý là Moody’s đã điều chỉnh triển vọng của Sacombank từ “tiêu cực” sang “ổn định”.
Các ngân hàng trong diện xếp hạng lần này bao gồm Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội ( SHB (HN:SHB)), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Động lực để Moody’s nâng đánh giá đối với 12 ngân hàng Việt Nam xuất phát từ bức tranh vĩ mô tốt hơn và cũng bởi những bước tiến trong quá trình giảm thiểu các khoản nợ có vấn đề.
BIDV, Vietcombank và Vietinbank được nâng bậc BCA
Lý do chủ yếu là do sự cải thiện về chất lượng tài sản. Nguồn tài trợ và thanh khoản của 3 ngân hàng này ổn định nhờ mức độ phụ thuộc tương đối thấp hơn vào nguồn vốn thị trường.
Nâng bậc BCA của ABBank, ACB, MBBank, OCB, TPBank, VIB và Techcombank
Việc nâng bậc BCA của những ngân hàng này phản ánh sự cải thiện về sức mạnh tín dụng độc lập của họ, nhất là quá trình giảm thiểu nợ có vấn đề và trong trường hợp của OCB, TPBank và Techcombank, có sự cải thiện về vốn hóa.
Moody's khả năng sinh lời của 7 ngân hàng trên tiếp tục cải thiện trong vòng 12-18 tháng tới khi gánh nặng chi phí tín dụng suy giảm.
Nâng bậc BCA của VPBank
Việc nâng bậc BCA của VPBank có tính đến khả năng sinh lời cao và vốn hóa mạnh, qua đó bù đắp cho phần rủi ro tín dụng cao từ mảng tín dụng tiêu dùng.
Nâng bậc BCA của HDBank
Việc nâng bậc BCA của HDBank phản ánh sự cải thiện về vốn hóa và khả năng sinh lời của ngân hàng. Cùng lúc đó, động thái này cũng tính tới câu chuyện sáp nhập giữa HDBank và PGBank (chưa được đánh giá tín nhiệm).
Dựa vào tình hình tài chính của hai ngân hàng trong năm 2017, các thước đo tín dụng của công ty hợp nhất – ngoại trừ chất lượng tài sản – sẽ khá tương tự với HDBank.
Moody’s ước tính, tỷ lệ nợ có vấn đề của công ty hợp nhất – bao gồm các khoản nợ loại 2-5 theo tiêu chuẩn kế toán của Việt Nam và lượng trái phiếu do Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) phát hành – ở mức 6.8%, còn của HDBank là 4.9%.
Giữ nguyên bậc của MaritimeBank, Sacombank, SHB và LienVietPostBank
Việc giữ nguyên bậc BCA của MaritimeBank, SHB và LienVietPostBank phản ánh kỳ vọng của Moody’s rằng bức tranh tín dụng của các ngân hàng này sẽ vẫn ổn định trong vòng 12-18 tháng tới.
Moody’s cho biết có thể nâng xếp hạng tiền gửi và nhà phát hành dài hạn của các ngân hàng nếu xếp hạng của Việt Nam được cải thiện hoặc các số liệu về tín dụng độc lập cải thiện dẫn đến xếp hạng cao hơn.
Nhưng xếp hạng của các ngân hàng cũng có thể bị hạ nếu xếp hạng của Việt Nam bị giảm. Đặc biệt xếp hạng của Vietcombank, #BIDV, VietinBank có thể bị hạ nếu Moody's thấy rằng sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các ngân hàng này bị suy giảm.
Vũ Hạo