Vietstock - Nhà mạng đẩy việc cho khách hàng
Hạn chót đến ngày 15.5, những khách hàng không nộp ảnh chân dung sẽ bị khóa dịch vụ vĩnh viễn nên những ngày qua, các nhà mạng vẫn liên tục nhắn tin thúc giục khách hàng. Thế nhưng theo quy định, đây là nhiệm vụ của chính nhà mạng chứ không phải của khách hàng.
Khách hàng chen chúc chờ bổ sung ảnh chân dung tại nhà mạng Vinaphone.
Ảnh: Ngọc Dương
|
Chụp hình là trách nhiệm của nhà mạng
Nhà mạng không thể có lối đối xử quan cách kiểu ngồi tại chỗ bảo khách hàng chạy lại thực hiện Anh Đặng Văn Vỹ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) |
Cụ thể, quy định tại Nghị định 49/2017 của Chính phủ nêu rõ, doanh nghiệp (DN) viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ của mình mà thông tin thuê bao chưa tuân thủ theo đúng quy định. Ngoài các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông quy định, DN có thể cử nhân viên trực tiếp gặp khách hàng để thực hiện. Đồng thời DN phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính chính xác của thông tin thuê bao, bổ sung ảnh chụp và có trách nhiệm trích xuất, tự cập nhật lại thông tin thuê bao cho phù hợp quy định.
Như vậy, việc đảm bảo thông tin khách hàng chính xác phải thuộc về trách nhiệm của DN và nếu không thực hiện, nhà mạng sẽ bị xử phạt. Cũng theo quy định trên, nhà mạng phải cử nhân viên chụp hình cho khách hàng chứ không phải đẩy việc này sang cho khách hàng như cách làm hiện nay.
Anh Đặng Văn Vỹ, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, đang sử dụng dịch vụ của MobiFone bức xúc, nếu nhà mạng tự động cắt dịch vụ của mình, anh sẽ kiện ra tòa. Bởi quan hệ giữa khách hàng và DN viễn thông là quan hệ dân sự. Hiện trong các hợp đồng cung cấp dịch vụ trả trước lẫn trả sau mà anh đã ký với MobiFone, không có điều khoản nào ràng buộc rằng bất cứ khi nào nhà mạng yêu cầu cung cấp thông tin bổ sung thì khách hàng phải cung cấp. Vì vậy, việc phải bổ sung ảnh chân dung vào hồ sơ khách hàng là trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ. “Nhà mạng không thể có lối đối xử quan cách kiểu ngồi tại chỗ bảo khách hàng chạy lại thực hiện. Nếu có bất cứ thay đổi nào thì DN phải có đàm phán, trao đổi với khách hàng để cùng thực hiện. Ví dụ DN phải có lịch hẹn cho khách hàng với thời gian cụ thể để bổ sung thông tin, có thể tại nhà khách hàng hoặc ra cửa hàng giao dịch, không để khách hàng phải chen lấn, mất thời gian chờ đợi như những ngày qua”, anh Vỹ chia sẻ.
Phải quản lý từ gốc
Đại diện một nhà mạng thừa nhận, không có điều khoản nào trong hợp đồng yêu cầu khách hàng phải nộp ảnh chân dung chính chủ. Có thể trong thời gian tới, các nhà mạng sẽ chỉnh sửa lại mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc bổ sung thêm phụ lục hợp đồng với các thông tin yêu cầu như Nghị định 49.
Theo luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật Basico), quy định mới làm phiền cả DN lẫn người dân. Bởi trong những ngày qua, các nhà mạng cũng cho phép khách hàng nộp ảnh chân dung qua mạng để giảm tải cho việc thực hiện tại các cửa hàng. Tuy nhiên, việc nộp ảnh qua mạng khó xác minh được đó là chính chủ. Hơn nữa, đáng lẽ khi ban hành, Nghị định 49 không nên đưa ra quy định hồi tố đối với khách hàng đã có bản sao chứng minh nhân dân (CMND) trước đó mà nên bắt buộc áp dụng quy định mới với thuê bao trả trước khi đăng ký mới hoặc chưa có bản sao CMND chính chủ. “Lúc trước đã có quy định mua sim và sử dụng dịch vụ di động phải đăng ký thông tin. Nhưng do buông lỏng quản lý, nhà mạng phát hành sim rác ồ ạt và thông tin thuê bao không chính xác thì nay chỉ tập trung siết các thuê bao này thôi”, luật sư Đức nói.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải phóng (TP.HCM) cũng nhận định cơ quan quản lý nhà nước không lường trước hết được các tình huống khi ban hành quy định mới. Đáng lẽ cơ quan quản lý nhà nước nên nêu rõ mục đích là để quản lý và hạn chế vấn nạn sim rác thì chỉ tập trung vào những khách hàng không có thông tin chính chủ, thông tin thuê bao bị sai với CMND để yêu cầu cập nhật lại thông tin và bổ sung bản sao CMND.
Mai Phương