Vietstock - Nhờ đâu Amazon trở thành công ty vốn hóa lớn nhất thế giới?
Giờ thì đến lượt Amazon ngự trị trên ngôi vị đầu bảng.
Công ty 24 năm tuổi này đã vượt mặt Microsoft (NASDAQ:MSFT) để trở thành công ty vốn hóa lớn nhất trên thế giới trong ngày thứ Hai (07/01), khép phiên với mức vốn hóa thị trường 7968 tỷ USD. Còn Microsoft – vốn chỉ mới vượt Apple (NASDAQ:AAPL) để lên ngôi vị đầu bảng từ 1 tháng trước – có vốn hóa 783.4 tỷ USD.
Vốn hóa thị trường của Amazon có lúc vượt ngưỡng 1,000 tỷ USD trong tháng 9/2018. Và sau đó, trong lúc thị trường chứng khoán bị bán tháo mạnh trong những tháng cuối năm, cổ phiếu Amazon cũng ghi nhận quý tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Dù vậy, sau khi leo dốc trong 3 phiên trong 4 phiên đầu năm 2019, Amazon đã bước lên vị trí số 1.
Có nhiều lý do giải thích tại sao nhà đầu tư vẫn lạc quan về cổ phiếu Amazon, nhưng chủ yếu là vì việc mở rộng hoạt động của công ty.
“Bất chấp quy mô khổng lồ hiện tại, chúng tôi cho rằng cơ hội của Amazon hầu như là không giới hạn, khi xét tới lịch sử thành công trong việc tận dụng các khoản chi tiêu của bộ phận IT và người tiêu dùng”, Brian Wieser, Chuyên viên phân tích tại Pivotal Research Group, viết trong một báo cáo gửi tới khách hàng trong ngày thứ Hai (07/01). Ông khuyến nghị “mua” cổ phiếu Amazon với giá mục tiêu là 1,920 USD/cp, tức tăng 18% so với mức giá hiện tại.
Cổ phiếu Amazon vọt 3.4% lên 1,629.51 USD/cp trong ngày thứ Hai (07/01) và đã tăng 8.5% trong năm 2019.
Sau đây, CNBC cũng dẫn lại 5 lý do khiến nhà đầu tư phấn khích về Amazon:
1. Dịch vụ đám mây
Trong khi mảng dịch vụ đám mây của Microsoft đang tăng trưởng ngày càng nhanh chóng, thì mảng dịch vụ Amazon Web Sservices (AWS) mới là “gã khổng lồ” của ngành này.
Doanh thu dịch vụ đám mây hàng năm của Amazon giờ đã vượt 23 tỷ USD và AWS kiểm soát 40% thị trường đám mây công khai, theo Synergy Research Group.
Với hàng triệu khách hàng, AWS có hơn 140 dịch vụ dành cho các nhà phát triển và mảng này tiếp tục mở rộng về mặt địa lý. Amazon đang định mở cơ sở đám mây ở Bahrain, Hồng Kông, Italy và Nam Phi. Ngoài ra, Công ty đang cạnh tranh để giành được hợp đồng trị giá 10 tỷ USD từ Bộ Quốc phòng Mỹ.
AWS cũng đang ký hợp đồng dài hạn với các khách hàng doanh nghiệp lớn. Trong quý gần đây nhất, doanh thu từ AWS tăng lên mức 17.8 tỷ USD, từ mức 16 tỷ USD quý 2/2018 và 12.4 tỷ USD trong quý 1/2018.
2. Thống trị thương mại điện tử
Amazon đã “lấn sân” sang nhiều mảng khác trong nhiều năm vừa qua, nhưng mảng cốt lõi vẫn là thương mại điện tử.
Amazon chiếm gần 50% doanh số thương mại điện tử ở Mỹ trong năm trước (2018), theo eMarketer, và gần 90% doanh thu của Amazon đến từ doanh số bán lẻ.
Trong mảng bán lẻ của Amazon, mảng tạo thị trường cho bên thứ ba đang ngày càng nên quan trọng hơn bao giờ hết. Mảng này đã chiếm 31.3% doanh số bán hàng trực tuyến tại Mỹ trong năm 2018, eMarketer ước tính, tăng 35.6% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, mảng bán lẻ vẫn còn cơ hội tăng trưởng. Amazon chỉ chiếm 5% trong tổng doanh số bán lẻ tại Mỹ (bao gồm trực tuyến và ngoại tuyến), theo eMarketer. Công ty đã đầu tư rất nhiều vào các khu vực khác, như Ấn Độ, và đang cố gắng tạo thêm doanh số từ các cửa hàng thực sự thông qua việc thâu tóm Whole Foods.
3. Các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng như y tế, Alexa và quảng cáo
Amazon có một vài cơ hội hấp dẫn để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu. Trong đó, quảng cáo là đáng chú ý nhất. Đây là một phần trong phân khúc kinh doanh “Khác” của Amazon – vốn tăng trưởng 122% trong quý 3/2018 và vượt ngưỡng 2.5 tỷ USD doanh thu.
Y tế là một tâm điểm chú ý khác dành cho Amazon, sau thương vụ mua lại công ty dược PillPack với giá 1 tỷ USD trong năm 2018. Ngân hàng là một lĩnh vực mà Amazon có thể chú ý.
Ngoài ra, Amazon còn có Amazon Studios để sản xuất ra các chương trình truyền hình gốc và phim ảnh mà những người đăng ký chương trình Prime có thể xem. Amazon Studios đã tiến tới thỏa thuận với Nicole Kidman, Jordan Peele và nhà sản xuất Cheo Hodari Coker.
Ngoài ra, Amazon cũng có thể tạo lợi nhuận thông qua Alexa, khi mọi người sử dụng trợ lý thông minh Alexa để mua sản phẩm.
4. Nhóm lãnh đạo gắn kết chặt chẽ
Một trong những điểm khác biệt chính giữa Amazon và những ông lớn công nghệ khác là nhóm lãnh đạo gắn chặt với nhau. CEO Jeff Bezos đã tập hợp một nhóm các nhà điều hành cực kỳ trung thành, trong đó nhiều trong số họ đã làm việc ở Amazon trong nhiều năm nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ.
Nhóm S của Bezos – được cho là bao gồm gần 20 vị giám đốc điều hành – nổi tiếng vì sự ổn định, một phần của văn hóa Amazon mà ông Bezos đã từng nhấn mạnh tới trong một cuộc họp nhân viên nội bộ.
“Tôi rất mừng khi chúng ta không bị xáo trộn quá nhiều trong nhóm S”, Bezos cho biết. “Tôi không định thay đổi điều đó – tôi thích các anh rất nhiều”.
5. Ít bê bối
Amazon đã va phải một vài vấn đề gây tranh cãi trong thời gian gần đây, bao gồm cả những lời chỉ trích từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và việc tìm kiếm trụ sở thứ hai.
Nhưng không vấn đề nào ở trên có thể tạo ra rủi ro tức thời cho Amazon, các chuyên viên phân tích cho hay. Trái ngược với sự chật vật của Apple ở Trung Quốc và bê bối bảo mật của Facebook (NASDAQ:FB), cổ phiếu Amazon được xem là ít rủi ro hơn.
Vũ Hạo (Theo CNBC)