Vietstock - Kỳ vọng bước phát triển mới của ngành công nghiệp hỗ trợ
Ngày mai (19/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị về giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ - một trong các hội nghị chuyên đề trong năm 2018 bàn về những giải pháp, quyết sách chỉ đạo tầm quốc gia.
Ngay từ đầu năm, Thủ tướng đã giao các Bộ, cơ quan chuẩn bị nội dung, chương trình để tổ chức các Hội nghị này, với mục tiêu thúc đẩy các lĩnh vực hết sức quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hội nghị lớn lần này nhằm xác định rõ những vấn đề của công nghiệp hỗ trợ, các giải pháp cần thực hiện, không chỉ nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp Việt Nam.
Thời điểm “bản lề” của nền kinh tế
Có thể là sự kiện cuối cùng trong chuỗi các hội nghị chuyên đề trong năm nay, Hội nghị về phát triển công nghiệp hỗ trợ được tổ chức trong bối cảnh khá đặc biệt.
Về vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam năm 2018 tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục. Việt Nam giờ đã là một “công xưởng lớn” của thế giới và là một điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh tại khu vực và trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm nên những doanh nghiệp lớn, có tầm cỡ và khả năng cạnh tranh, là đối tác xứng tầm của các tập đoàn quốc tế.
Riêng trong năm 2018, một trong những sự kiện rất được chú ý là việc một doanh nghiệp lớn hàng đầu Việt Nam triển khai dự án sản xuất ô tô với những bước đi rất nhanh nhưng không kém phần bài bản.
Trong bối cảnh đó, vấn đề phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, xe máy nói riêng và ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, đã được nhắc đến từ lâu nay một lần nữa được thảo luận sôi nổi tại nhiều diễn đàn.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, số doanh nghiệp đang hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động. Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn chung, ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của cả nhà quản lý và các doanh nghiệp.
Ông Idei Ippei, nghiên cứu cấp cao của Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) dẫn kết quả khảo sát của JETRO trong năm 2017 cho biết, tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam là 33,2%, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan. Trong đó, tỷ lệ cung ứng từ doanh nghiệp nội địa Việt Nam chỉ đạt trên 13%, trong khi Trung Quốc là 40%, Thái Lan gần 24%...
Trong khi đó, nhu cầu tìm kiếm nguồn cung ứng tại chỗ của các doanh nghiệp Nhật Bản là rất lớn. Khoảng 80% doanh nghiệp được khảo sát gần đây cho biết, sẽ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa lên, đồng thời 64% doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn tăng tỷ lệ cung ứng nội địa để rút ngắn thời gian giao hàng.
Riêng trong lĩnh vực ô tô, theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thị trường công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô đã hình thành và phát triển, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu một số doanh nghiệp lắp ráp ô tô ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, nhìn chung, chất lượng sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô cung ứng trên thị trường còn kém. Đa số doanh nghiệp nội về công nghiệp hỗ trợ chỉ cung ứng sản phẩm cho lắp ráp ô tô trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp, đạt bình quân khoảng 7 – 10%. Hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp hiện nay vẫn do các công ty mẹ hoặc từ công ty xuyên quốc gia ở nước ngoài cung cấp. Trong khi, để làm một chiếc ô tô phải cần từ 30.000-40.000 linh kiện.
Chính sách vẫn cần hoàn thiện
Nhìn từ phía cơ chế, chính sách, hơn 10 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Điển hình như Nghị định số 111 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Quyết định 68 năm 2017 của Thủ tướng về việc phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ 2016 - 2025…
Mới đây, Quyết định 598/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025 cũng nêu yêu cầu tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử, cơ khí, dệt may, da giày; lựa chọn mô hình thí điểm hỗ trợ một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực dệt may, da giày, linh kiện điện tử, ô tô...
Thế nhưng, theo các chuyên gia, cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này vẫn cần hoàn thiện. Chẳng hạn, chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam. Hơn nữa, công nghiệp hỗ trợ có mối liên hệ hữu cơ với các ngành sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, tuy nhiên chính sách tạo ra các liên kết giữa các doanh nghiệp này và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa được hình thành…
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đang ráo riết triển khai tham vọng sản xuất ô tô, để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn của toàn bộ ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, trong đó, phải có doanh nghiệp dẫn đầu, đầu ngành và một mạng lưới, hệ thống các doanh nghiệp bao quanh, cung cấp linh kiện, sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn. Bản thân doanh nghiệp này hướng đến xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam nhằm xây dựng phát triển đồng bộ ngành công nghiệp hỗ trợ.
Từ góc độ địa phương, ông Tạ Đăng Đoan Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cho biết chỉ riêng các nhà máy lắp ráp điện thoại của Sam sung, Nokia, máy in của Canon đòi hỏi tới hàng trăm nhà sản xuất cung cấp linh kiện, nhưng Bắc Ninh mới có khoảng trên 130 doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện, bảng mạch, phụ kiện, chi tiết cung cấp cho các doanh nghiệp lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm điện tử, tạo ra 11,3% giá trị sản xuất công nghiệp.
Theo ông Đoan, công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ tạo điều kiện cho ngành công nghiệp phát triển, là nhân tố quan trọng góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Muốn đi xa hãy đi cùng nhau
Ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam kém phát triển sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 cũng như gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp Việt Nam.
Ông Thắng cho rằng các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam hiện nay đã ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách từ chính sách đi đến thực tiễn. Do đó, trong thời gian tới, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến khâu tổ chức thực hiện các chính sách này, với sự quyết liệt vào cuộc của các bộ, ngành. Đặc biệt, là các chính sách, giải pháp liên quan đến nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp để từng bước có khả năng tham gia sâu hơn vào dây chuyền sản xuất công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đã có những bước cải thiện đáng kể. Thế nhưng, chúng ta chưa có nhiều thương hiệu Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao, đạt đẳng cấp quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như ô tô, xe máy điện, điện tử, chế biến nông thủy sản và các ngành dịch vụ chất lượng.
Thời gian qua, Thủ tướng đã nhiều lần nhắc tới khát vọng thịnh vượng, khát vọng vươn lên với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, hành động. Thủ tướng cũng nhắc tới khát vọng của người dân Việt Nam, của mọi doanh nghiệp Việt Nam về xây dựng các thương hiệu sản phẩm Việt chất lượng cao để phát triển kinh tế tự cường trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần nhắn nhủ các doanh nghiệp, “muốn đi nhanh hãy đi một mình, nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Được tổ chức vào một thời điểm mang tính bản lề, Hội nghị nói trên với những giải pháp, quyết sách mới được kỳ vọng sẽ giúp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có bước tiến rõ rệt trong thời gian tới, qua đó nâng cao năng lực ngành công nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Hà Chính