Vietstock - Các Bộ, ngành nói gì về hành lang pháp lý cho Blockchain?
Đại diện các cơ quan đều khẳng định đã nghiên cứu đầy đủ về blockchain và đang rà soát hành lang pháp lý cho công nghệ mới này.
Trả lời thắc mắc của các doanh nghiệp về vấn đề pháp lý tại Diễn đàn Blockchain do VnExpress tổ chức sáng 14/6, đại diện các Bộ có liên quan đều khẳng định hành lang pháp lý với một công nghệ mới là điều quan trọng.
Lắng nghe các doanh nghiệp tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Pháp luật dân sự và kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, xây dựng giải pháp phát triển cho Blockchain là cách để đi tắt đón đầu trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
"Tại Nghị quyết 23, chúng tôi đã vạch ra định hướng Việt Nam phải đi tắt đón đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó phải xác định trọng tâm của Blockchain. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước cũng xác định cần nghiên cứu kỹ việc sử dụng Blockchain, để từ đó xây dựng các giải pháp khuyến khích, ủng hộ doanh nghiệp phát triển", ông Tú nói.
Đại diện các Bộ có liên quan đều khẳng định hành lang pháp lý cho công nghệ Blockchain là cần thiết.
|
Cùng quan điểm với ông Tú, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho rằng, cần có sự nghiên cứu thấu đáo mới có thể ứng dụng tốt công nghệ Blockchain vào thực tiễn.
Dưới góc độ là cơ quan quản lý trong một lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn, ông khẳng định những cơ quan lập pháp, Bộ ngành có liên quan đều có sự tìm hiểu và nghiên cứu riêng về những công nghệ mới. "Mọi người hỏi cơ quan quản lý có nắm được Bitcoin hay công nghệ Blockchain không, chúng tôi khẳng định có nghiên cứu đầy đủ", ông Dũng nói và cho biết Ngân hàng Nhà nước đã thành lập một ban nghiên cứu về những vấn đề của Fintech trước làn sóng công nghệ mới.
Trả lời câu hỏi về kế hoạch phát triển hệ sinh thái này tại Việt Nam, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu không có gì thay đổi, trong tháng 8, Thủ tướng sẽ giao cho Ngân hàng Nhà nước đưa ra một sandbox - khung thử nghiệm pháp lý hỗ trợ các công ty Fintech.
"Chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp ứng dụng Blockchain cần thay đổi hai thứ quan trọng là quy trình nghiệp vụ và mô hình tổ chức, nhân sự. Nếu chỉ tập trung vào công nghệ sẽ rất khó triển khai", ông Dũng nhận xét nhưng cũng khẳng định rằng, với tư cách là cơ quan quản lý "Ngân hàng Nhà nước đang đồng hành cùng các doanh nghiệp".
Dưới góc nhìn cởi mở hơn, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì cho rằng, Bộ đã tham gia rất nhiều để hỗ trợ Blockchain. "Chúng tôi đã nghĩ tới những phương án để công nghệ này đóng góp tốt hơn trong các lĩnh vực", ông Khả nói.
Trả lời ý kiến của các doanh nghiệp, ông cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã có kế hoạch rà soát lại luật về công nghệ thông tin và thấy rằng cần có cách tiếp cận tốt, phù hợp hơn. Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định, mọi bước đi cần tính toán một cách cẩn trọng.
"Chúng ta cần nhìn nhận trên thế giới, từ các tổ chức nghiên cứu uy tín, họ vẫn có những quan ngại nhất định về Blockchain. Vì thế, chúng ta cần đánh giá sáng suốt, giảm bớt hạn chế, tránh tác động không tốt tới xã hội", Vụ trưởng Công nghệ thông tin đánh giá.
Dưới góc độ từ cơ quan quản lý về công nghệ, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá, việc nghiên cứu thấu đáo các tính ưu việt của công nghệ Blockchain là cần thiết, nhưng đi liền với đó là việc lường trước các rủi ro.
Ông Dương cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đang xây dựng trọng điểm khoa học công nghệ, trong đó có ứng dụng Blockchain. Một trong những ứng dụng thực tế là việc tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng chính sách ưu đãi tín dụng trong ngành công nghiệp 4.0.
Theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay Bộ đã làm được hai việc. Một là vận hành đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt Số hóa", hai là vận hành đề án 844 "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025".
Minh Sơn