Vietstock - Fed tăng lãi suất, Việt Nam bị tác động tới mức nào?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đêm 19-12 đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % lên mức 2,5 %, thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều nước “rực lửa”. Một phản ứng dễ thấy của thị trường thế giới sau sự điều chỉnh của tổ chức tài chính Mỹ. Còn thị trường Việt Nam thì sao trước sự kiện này?
Tất nhiên, phản ứng là điều phải có đối với mức lãi suất mới mà Fed đưa ra khi nền kinh tế nước ta ngày càng chịu tác động sâu rộng từ nền kinh tế thế giới. Nhưng vấn đề là phản ứng như thế nào, lúc nào, mức độ ra sao, đối tượng nào... lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố vĩ mô, vi mô và cả thực lực, ý chí của nền kinh tế.
Biểu đồ tăng trưởng và lạm phát của Việt Nam qua các năm.
|
Trong năm nay, đây là lần thứ tư Fed điều chỉnh lãi suất lên một mức khá cao. Tất nhiên, thị trường thế giới phản ứng mạnh sau mỗi lần mức lãi suất tăng điểm. Riêng Việt Nam, tuy có “rung lắc” nhưng khá điềm tĩnh, nhẹ nhàng.
Về mặt vĩ mô, Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện thể chế thị trường, sự hòa nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới chưa thể bằng các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia... nên hạn chế tác động (cả tích cực lẫn tiêu cực). Bên cạnh đó sự nhận định, đánh giá và thiết kế sách lược ứng phó với sự điều chỉnh của Fed của chúng ta khá hoàn hảo và triển khai đồng bộ, phối hợp giữa các ban, ngành rất tốt, đã hạn chế nhiều tác động tiêu cực.
Việc quản lý nợ công, nợ nước ngoài, dự trữ ngoại tệ, tỷ giá hối đoái, đầu tư FDI... được thiết kế hướng vào mục tiêu các con số cụ thể, đặc biệt là tăng trưởng và lạm phát.
Hiện nay, thị trường Việt Nam đang nằm trong “gọng kìm” của đồng đô la và nhân dân tệ. Thị trường Trung Quốc chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chín tháng qua, đồng nhân dân tệ giảm trên dưới 5%, trong lúc đồng đô la vẫn giữ vững vị thế của nó trên thị trường.
Mỹ lại là đối tác thương mại vô cùng quan trọng của Việt Nam mà chúng ta lại xuất siêu sang Mỹ. Fed tăng lãi suất ảnh hưởng xấu đến GDP của Mỹ, do vậy, rất có thể chính quyền ông Trump sẽ có sự điều chỉnh chính sách mậu dịch với các đối tác, trong đó có Việt Nam.
Biến động tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng. Nguồn: Thomson Reuters, Sacombank Research
|
Cho đến nay, ta duy trì tốt sự ổn định và cân bằng thương mại với Trung Quốc và Mỹ. Điều đáng nói là qua ba lần Fed điều chỉnh lãi suất, các quan hệ thương mại nói trên hầu như không bị ảnh hưởng. Tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ tăng nhưng trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, chỉ khoảng hơn 3% trong 2018. Tỷ giá này được duy trì trên cơ sở tính đến lợi ích của xuất khẩu và nhập khẩu, bảo đảm nguyên liệu sản xuất và kích thích xuất khẩu.
Thị trường chứng khoán Việt Nam phản ứng có tích cực, có tiêu cực nhưng chung quy lại là khá ổn định, vững vàng. Trưa 20-12, cho dù đêm qua sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán thế giới, sàn chứng khoán tại Hà Nội và TPHCM vẫn khá bình tĩnh và thận trọng, thậm chí chỉ số nhích lên so với hôm qua. Có thể 4, 5 ngày trước giá chứng khoán Việt Nam đã giảm nhiều, do thị trường nhận định, đánh giá và dự đoán về hành động của Fed? Điều này cho thấy chúng ta đã trải nghiệm và đang vươn lên làm chủ tình thế trước những “cơn bão” của thị trường thế giới.
Fed tăng lãi suất, có nghĩa là họ rút bớt tiền từ thị trường, điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế Mỹ và thế giới. Như vậy, đồng đô la sẽ có giá trị hơn, lãi suất đô la tăng, chi phí vốn cao hơn, lợi nhuận giảm. Khi đồng đô la tăng giá, dòng tiền dịch chuyển từ lãi suất thấp đến lãi suất cao sẽ tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI; thanh khoản sẽ căng thẳng hơn, gây khó khăn trong việc thực thi kế hoạch đầu tư.
Đối với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trong nước, lợi thế khá lớn khi họ thu về nguồn đô la có giá cao so với đồng nội tệ làm tăng lợi nhuận. Tuy nhiên cơ cấu giá vốn nếu là từ nguồn nhập khẩu thì lại phải chi ra nhiều hơn theo tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ. Do vậy, điều quan trọng là nội địa hóa nguyên liệu nhiều thì mới tận dụng được lợi thế từ tỷ giá.
Nếu là hàng nhập khẩu, người tiêu dùng phải mua giá cao hơn do đồng đô la tăng giá. Nếu nguyên phụ liệu phụ thuộc thị trường bên ngoài, chắc chắn doanh nghiệp phải tính đến giải pháp thay thế hàng nhập khẩu để cạnh tranh, thậm chí thu hẹp sản xuất.
Theo thông lệ, các ngân hàng thương mại cấp tín dụng đô la trung, dài hạn đều theo mức lãi suất LIBOR (lãi suất liên ngân hàng Anh), SIBOR (lãi suất liên ngân hàng tại Singapore), cộng (+) phụ phí (%) của ngân hàng. Khi Fed tăng lãi suất, LIBOR, SIBOR đều tăng, rất có thể các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi vay (tùy theo điều khoản hợp đồng).
Mức lãi suất hiện nay là khá cao, do vậy các doanh nghiệp vay đô la đầu tư các dự án sản xuất hàng xuất khẩu phải tính toán, điều chỉnh sao cho dự án không bị vướng vào bài tính lãi suất gây những bất lợi cho dòng tiền. Bên cạnh đó, chính sách lãi suất tiền gửi đô la bằng không của ngân hàng nhà nước thực sự góp phần đẩy lui ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài đối với thị trường vốn Việt Nam.
Cho đến nay, các ngân hàng thương mại vẫn bình tĩnh trước biến động thị trường hối đoái, chứng khoán trong nước và thế giới, trước sự kiện của Fed. Tỷ giá đô la vẫn ổn định, lãi suất chưa tăng. Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với mục tiêu ổn định tỷ giá, sẵn sàng tung tiền từ dự trữ ngoại hối khá dồi dào để can thiệp. Nền kinh tế đang hứng khởi và được tiếp sức bởi các con số rất ấn tượng về tăng trưởng mục tiêu: GDP, xuất nhập khẩu, các chỉ số sản xuất, tiêu dùng, các chỉ số về tín dụng, tiết kiệm... Rõ ràng chúng ta đã chuẩn bị kỹ, định liệu mọi kịch bản từ sự điều chỉnh lãi suất của Fed.
Ảnh hưởng đến nền kinh tế VN từ việc tăng lãi suất của Fed nói chung tích cực hơn là tiêu cực. Tuy nhiên chúng ta phải có dự liệu và phương án khả thi để đón nhận những đợt sóng của thị trường thế giới, đó là một phần công việc của các nhà quản trị chiến lược.
Nguyễn Trọng Thùy (Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI))