Vietstock - Đề xuất thu thuế quán cóc, xe ôm: Tận thu hay chống thất thu?
Việc ngành thuế đưa xe ôm, quán cóc, kinh doanh vỉa hè vào diện quản lý thuế khiến nhiều người dân nghèo sinh sống bằng nghề “buôn thúng bán bưng” phản ứng, thậm chí họ cho rằng tận thu. Các chuyên gia kinh tế cũng có nhiều ý kiến trái chiều khi ngành thuế còn nhiều bất cập trong quản lý thuế hiện hữu lại mở rộng đối tượng thu thuế.
Người bán hàng trên vỉa hè, quán cóc bị liệt vào tầm ngắm thu thuế
|
Tận thu?
Tổng cục Thuế vừa có công văn chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế khoán năm 2019, điểm đáng chú ý là yêu cầu các cục thuế rà soát, bảo đảm đầy đủ dữ liệu những cá nhân hành nghề xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát…
Theo Tổng cục Thuế, đến nay hộ kinh doanh vẫn đang là chủ thể có đóng góp lớn trong việc tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu tổng sản phẩm trong nước (trên 30% GDP - niên giám thống kê năm 2017). Tuy nhiên, số thu từ thuế của hộ kinh doanh lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng thu ngân sách nhà nước (theo số liệu năm 2017 là 1,56% trong tổng thu ngân sách nhà nước không kể dầu thô).
Kết quả cuộc tổng điều tra thống kê năm 2017 của Tổng cục Thống kê, cả nước có đến hơn 4,3 triệu hộ kinh doanh. Sau khi loại trừ những người hoạt động tự do như xe ôm, quán vỉa hè, chợ cóc,... còn lại hơn 2,21 triệu hộ kinh doanh. Thế nhưng, cơ quan thuế quản lý chỉ hơn 1,6 triệu hộ, còn 581.700 hộ nằm ngoài quản lý.
Người dân cho rằng việc đánh thuế với kinh doanh quán cóc, xe ôm là tận thu với người nghèo
|
Con số 581.700 hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định nhưng chưa đưa vào diện quản lý bằng 1/3 so với tổng số hộ kinh doanh trên cả nước mà cơ quan thuế đang quản lý và hơn gấp đôi so với số hộ kinh doanh đang được quản lý thuế tại TPHCM.
Cơ quan Thuế thừa nhận, khung pháp luật về hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ và tổ chức quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan còn nhiều bất cập. Như Luật Quản lý thuế hiện hành quy định: Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì doanh nghiệp, công ty không phải lập hóa đơn mà chỉ phải lập bảng kê, đến cuối ngày mới phải lập hóa đơn tổng. Lợi dụng “kẽ hở” này, nhiều hộ kinh doanh đã kê khai không đúng, không đủ nhằm làm giảm doanh thu tính thuế.
Bên cạnh đó, vẫn chưa có tiêu thức phân loại hộ kinh doanh, chưa có biện pháp giám sát doanh thu đối với những hộ kinh doanh trong một số ngành nghề đặc thù cũng như chưa có cơ sở dữ liệu đồng bộ khiến cho công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh gặp không ít khó khăn. Việc đưa những cá nhân, hộ kinh doanh vỉa hè, xe ôm, xe lam…. Vào quản lý thuế với mục tiêu chống thất thu ngân sách, bỏ lọt đối tượng nộp thuế.
Thực tế hiện nay, các hộ có đăng ký kinh doanh đều phải nộp thuế khoán hoặc áp dụng thuế suất 5% đối với cá nhân, hộ kinh doanh có doanh số bán hàng trên 100 triệu đồng/năm. Riêng các cá nhân, hộ buôn bán nhỏ lẻ không phải nộp thuế. Ý định đưa những cá nhân, hộ buôn bán nhỏ lẻ này vào diện quản lý thuế nhằm hướng tới những người lao động có thu nhập thấp như xe ôm, quán cóc, buôn bán hàng rong của ngành thuế gặp phải phản ứng của người dân.
Chưa biết triển khai thế nào
Trước thực tế việc thu thuế hiện nay còn nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp lớn trốn thuế, nợ thuế nhiều nghìn tỷ đồng vẫn chưa được xử lý một cách hiệu quả, ngành thuế đưa người buôn bán nhỏ lẻ vào tầm ngắm quản lý, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải tính toán cẩn thận và nắm người “có tóc” trước khi tính toán đến các cá nhân, hộ buôn bán nhỏ lẻ.
Đại diện Chi cục Thuế quận Phú Nhuận, TPHCM cho hay, lâu nay với các cá nhân, hộ kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế mời họ đến hướng dẫn làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Thủ tục rất đơn giản, nếu khó khăn gì cơ quan thuế sẵn sàng hỗ trợ. Họ chỉ cần mang theo chứng minh nhân dân, hộ khẩu phô tô có công chứng đến phòng kinh tế quận làm thủ tục đăng ký kinh doanh, sau 3 ngày sẽ được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau đó, cơ quan thuế sẽ làm thủ tục đăng ký mã số thuế trong ngày.
Khi cá nhân, hộ kinh doanh đã đăng ký kinh doanh rồi thì dựa trên thông tin kê khai của họ, cơ quan thuế sẽ đưa ra mức thuế khoán. Còn với người bán hàng rong, xe ôm… họ kinh doanh, làm việc không liên tục thì cũng chưa biết sẽ triển khai tính thuế, khoán thuế với họ như thế nào.
Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên lãnh đạo Cục thuế TPHCM (xin giấu tên) cho rằng, có thể việc rà soát hơn 2 triệu người hoạt động tự do như xe ôm, xây dựng vãng lai, quán vỉa hè, chợ cóc... để đưa vào diện chịu thuế là do cơ quan thuế chịu áp lực lớn trước dư luận về việc bỏ sót đối tượng thuế, thất thu thuế.
“Về nguyên tắc, những hộ kinh doanh như hàng rong, xe ôm dù không kinh doanh thường xuyên cũng đều thuộc đối tượng quản lý của ngành thuế. Thế nhưng, không có cơ sở nào để xác định chính xác thu nhập của họ bao nhiêu để thu thuế bởi ngoài lực lượng đông, họ làm việc cũng không ổn định và liên tục. Theo tôi, chúng ta chỉ nên khuyến khích, chứ còn thu thuế đối tượng này e là không dễ” - vị này cho hay.
Ý kiến người dân Theo các hộ dân, việc tận dụng mặt bằng phía trước để buôn bán nhỏ lẻ chỉ đủ tiền để sinh hoạt gia đình hàng ngày, nếu tính chi phí mặt bằng đi thuê, nhân công thì thu nhập không đủ trả nên ngành thuế đưa họ vào tầm ngắm là quá khắt khe. “May mắn có nhà mặt tiền đường nhỏ nên tôi tận dụng bán bánh mì buổi sáng. Mỗi ngày thu nhập được hơn 100 nghìn đồng, chủ yếu lấy công làm lãi chứ. Đó là nhà của mình tận dụng để buôn bán, nếu đi thuê mặt bằng tháng 3-4 triệu đồng, chưa tính tiền công mình bỏ ra. Nếu tính hết chi phí thì thua lỗ, nên nhà nước thu thuế thì sẽ tính thế nào? Có khấu trừ cho người dân không?”, bà Nguyễn Thị Mai (phường An Phú Đông, Quận 12, TPHCM) đặt vấn đề. Hành nghề chạy xe ôm nhiều năm nay trên đường Phạm Văn Đồng, Quận Thủ Đức, TPHCM, ông Lê Văn Thắng (60 tuổi) cho biết: Trung bình mỗi tháng ông kiếm được từ 4 đến 6 triệu đồng chưa trừ tiền xăng. “Hành nghề chạy xe ôm như chúng tôi chỉ mong đủ ăn hàng ngày chứ ai nghĩ làm giàu từ việc này. Hôm nào may mắn thì có nhiều khách, hôm hẩm hiu thì ngồi cả ngày không ai đi. Làm không đủ sinh hoạt lấy gì đóng thuế. Thu thuế với những người như chúng tôi khác gì tận thu”, ông Thắng nói. |
NGÔ BÌNH - PHƯƠNG UYÊN