Vietstock - NHNN: Kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT
Trong Chỉ thị số 04 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, các dự án BOT, BT giao thông...
Ngày 02/08/2018, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018.
Về tình hình 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng diễn biến phù hợp với định hướng đề ra từ đầu năm. Lạm phát cơ bản tiếp tục được kiểm soát. Lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối nhìn chung ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục tăng. Tín dụng tăng ngay từ đầu năm, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu được triển khai mạnh mẽ, theo đúng lộ trình, kế hoạch. Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường, chấn chỉnh, hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu...
Với các kết quả nêu trên đã góp phần giúp Việt Nam được hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia từ “BB-” lên mức “BB”.
Kiểm soát chặt việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ
Trong điều kiện vẫn còn nhiều yếu tố khó khăn, không thuận lợi của cả khách quan và chủ quan, nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành triển khai nghiêm túc, quyết liệt các công việc trọng tâm.
Trong đó, các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước phải chủ động điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, đồng thời tạo điều kiện để tổ chức tín dụng cung ứng vốn hiệu quả cho nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng TCTD theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra. Không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số NHTM tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các TCTD yếu kém). Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông;…
Các đơn vị này tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá, phù hợp với diễn biến cung cầu thị trường, cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ, hạn chế tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong lãnh thổ. Kiểm soát chặt việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ.
Ngoài ra còn phải phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn trong triển khai các chương trình tín dụng, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, đặc biệt là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chủ động triển khai chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” đảm bảo đạt được hiệu quả theo đúng mục tiêu, lộ trình và kế hoạch đã đề ra. Phấn đấu hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt/chấp thuận chủ trương đối với phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, tiến độ thực hiện phương án tái cơ cấu của TCTD.
Thực hiện nghiêm túc kế hoạch thanh tra, giám sát, trong đó tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, dễ phát sinh sai phạm để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro, yếu kém, nguy cơ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Tiến hành thanh tra đột xuất các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ,...; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng, nhất là những hành vi vi phạm đã được cảnh báo; Kiên quyết xử lý những TCTD không chấp hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và không thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến lĩnh vực thanh toán đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam. Tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả; Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/4/2018 về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo.
Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán trên địa bàn theo thẩm quyền; chủ động theo dõi, cập nhật thông tin để cảnh báo kịp thời những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hoạt động thanh toán, đặc biệt là vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, văn bản cảnh báo của NHNN Trung ương về đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính; Tổ chức quán triệt và theo dõi chặt chẽ việc chấp hành của các TCTD trên địa bàn, báo cáo và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong hoạt động TCTD trên địa bàn.
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản
Đối với các tổ chức tín dụng, NHNN yêu cầu kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 đã được thông báo, đảm bảo tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Chủ động phân tích đánh giá tình hình để kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn hoạt động cho vay, xử lý nợ xấu cũ, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, lĩnh vực chứng khoán, tín dụng đối với nhóm khách hàng/ nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông,... Kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản; Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng, các quy định pháp luật về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân. Kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn vay.
Tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được phê duyệt, đảm bảo theo đúng lộ trình đề ra. Tổ chức triển khai áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, bảo đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu theo phương án đã được phê duyệt; rà soát việc phân loại nợ, đảm bảo phản ánh đúng chất lượng khoản vay, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định.
Triển khai nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, ngân hàng, trong đó tập trung đảm bảo an toàn trong giao dịch tiền gửi, hoạt động thanh toán, hoạt động tín dụng tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống của tổ chức tín dụng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật, ý thức tuân thủ pháp luật trong hệ thống nhằm đảm bảo cán bộ, nhân viên thực hiện đúng quy định, quy trình nội bộ, quy định của pháp luật, giảm thiểu rủi ro đạo đức và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động ngân hàng.
Thái Hương