Vietstock - Khi cổ đông nhỏ cũng “lạm quyền”
Từ “lạm quyền” thường được gắn liền với cổ đông lớn khi gây rối, cản trở hoạt động bình thường của công ty. Tuy nhiên, ghi nhận tại mùa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, có không ít cổ đông nhỏ “gây hấn” với ban lãnh đạo công ty khiến cuộc họp kéo dài, lan man và gây e ngại đối với các cổ đông khác.
Họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) hàng năm của các doanh nghiệp chính là cầu nối trực tiếp để trao đổi giữa cổ đông và ban lãnh đạo sau một năm vận hành kinh doanh. Từ đó, những câu hỏi, chất vấn, thắc mắc của cổ đông về kết quả kinh doanh hay giá cổ phiếu, thậm chí bức xúc hay chuyện biến động nhân sự… tất tần tật sẽ được đưa ra mổ xẻ để rồi cùng nhau tìm giải pháp, hiến kế giải quyết vấn đề hay giải tỏa được những vướng mắc. Vì thế, đây chính là thời điểm cổ đông thể hiện rõ nhất quyền của họ với đồng vốn bỏ ra.
Tuy nhiên, nếu như trước đây, cổ đông nhỏ luôn than thở quyền lợi của họ bị bó hẹp hay chính doanh nghiệp ngó lơ thì nay có vẻ “gió đã đổi chiều” khi hầu hết doanh nghiệp đều chú trọng đến mảng quan hệ nhà đầu tư (IR), bất kể với tổ chức hay cá nhân nào. Bởi thế, một số cổ đông nhỏ đôi khi đã đòi hỏi những vấn đề vượt quá quyền lợi của họ.
Một số cổ đông nhỏ đôi khi đã đòi hỏi những vấn đề vượt quá quyền lợi của họ.
|
Còn nhớ, hồi tháng 3/2018, tại ĐHĐCĐ thường niên của MTGas (MTG), sau loạt chất vấn của cổ đông và giải trình của ban lãnh đạo về tình hình hoạt động kinh doanh cùng các vấn đề nóng về việc Tập đoàn Dầu khí An Pha (ASP) muốn thâu tóm… thì một cổ đông nắm giữ chưa đến 1% vốn, đã có những đối chất gay gắt với ban lãnh đạo. Khởi nguồn từ việc cổ đông này gửi thư ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2018-2022 của MTG nhưng lại không có trong danh sách ứng cử công bố tại Đại hội để tiến hành bỏ phiếu. Theo đó, đại diện ban điều hành cho biết do chiếu theo Luật Doanh nghiệp hay Điều lệ công ty thì đơn ứng cử của cổ đông này không đáp ứng đủ quy định như do nhóm cổ đông sở hữu từ 5%-10% trở lên đề cử…
Cộng thêm bối cảnh hoạt động kinh doanh của MTG thua lỗ trong năm 2017 đã khiến cổ đông trên bức xúc và liên tục đề nghị Ban lãnh đạo nên từ nhiệm “Anh không làm được thì từ chức đi, để tôi làm”, đồng thời kêu gọi cổ đông khác cùng đề cử cho vị này nhưng bất thành… Chính sự bất bình cá nhân trên đã khiến cuộc họp Đại hội diễn ra trong căng thẳng và mất rất nhiều thời gian mà không tập trung vào được trọng yếu là bàn sâu hơn về phương cách để MTG thoát lỗ hoặc buộc dàn lãnh đạo mới cũng như đơn vị thâu tóm phải cam kết đưa công ty có lãi trở lại, giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng cụ thể như thế nào…
Tương tự, với một doanh nghiệp lớn ngành phân bón niêm yết trên HOSE như DPM, liên tục tại các phiên họp ĐHĐCĐ các năm 2016, 2017, 2018 và tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư để chia sẻ về kết quả kinh doanh vào tháng 6 vừa qua, một vị cổ đông và đại diện (nắm khoảng 2%) liên tục đưa ra những quan điểm đánh giá, nhận định có tính phiến diện và thiếu tính xây dựng về hoạt động quản trị, điều hành và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.
Mặc dù Ban lãnh đạo doanh nghiệp đã hồi đáp tất cả thắc mắc của cổ đông này nhiều lần, từ việc hoạt động kinh doanh giảm do chi phí nguyên liệu, thuế, ảnh hưởng chung của thị trường, chi phí quảng cáo, các khoản đầu tư, hay như việc bầu HĐQT và BKS… bằng cả thư riêng đến trực tiếp trước hàng loạt cổ đông. Vậy nhưng, cổ đông này vẫn chưa thỏa mãn mà liên tục xuất hiện ở bất cứ đâu có thể và gửi thư đến nhiều cơ quan, báo chí làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động của doanh nghiệp và có nguy cơ xâm phạm đến uy tín, quyền lợi của các cá nhân, tập thể, cũng như chính cổ phiếu. Điều này vô hình trung lại cho thấy cổ đông trên dường như đang cố đấu tranh cho lợi ích cá nhân thay vì mang tính xây dựng lợi ích chung cho công ty và các cổ đông. Mặc dù DPM là một trong số ít những doanh nghiệp được các định chế tài chính và nhà đầu tư đánh giá cao về quan hệ nhà đầu tư cũng như tính minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều năm liền.
Trong khi nếu có vấn đề thực sự thì đằng sau DPM còn có cổ đông lớn là PVN (nắm 59.58%) hay các tổ chức trong nước (nắm 64.59%), tổ chức nước ngoài (sở hữu 20.04%)... chắc hẳn đã phải lên tiếng.
Rõ ràng, tại phiên họp Đại hội, tất cả cổ đông đều có quyền nói lên suy nghĩ của họ, chất vấn những vấn đề trong phạm vi quyền hạn, cho thấy những ông chủ dù lớn hay bé đều được tôn trọng. Và điều này tại hầu hết các cuộc họp ĐHĐCĐ của các doanh nghiệp được phát huy triệt để. Tuy nhiên, điều quan trọng cần hiểu rõ ở đây là mức độ quyền lợi của cổ đông nhỏ phụ thuộc nhiều vào chính nhận thức, sự tích cực và chủ động của họ trong quyền, lợi ích hợp pháp, tránh những lạm dụng để phá rối, gây cản trở hoạt động bình thường của công ty. Và rõ ràng, cổ đông nhỏ không phải là được trao quyền và lợi nhiều hơn so với tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty.
Tất nhiên, hoạt động kinh doanh đi xuống và giá cổ phiếu giảm theo là điều khiến cổ đông bức xúc và lãnh đạo doanh nghiệp hẳn cũng đứng ngồi không yên khi vừa phải đảm bảo thu nhập cho cán bộ công nhân viên vừa phải vận hành công ty sao cho tăng trưởng tốt để không chịu áp lực từ cổ đông.
Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ của Coteccons (CTD) cũng trong 6 vừa qua, nhiều cổ đông nhỏ vì quan tâm đến công ty mà lặn lội từ Đà Nẵng hay chạy xe từ Vũng Tàu, Đồng Nai lên để tham dự. Họ đã có những chia sẻ rất thật khi gắn bó với cổ phiếu CTD từ những thời kỳ đầu, giá cổ phiếu trên đỉnh rồi giờ xuống đáy khiến họ rất “xót ruột”. Cũng có những bức xúc, trăn trở nhưng sau khi có sự giải trình của lãnh đạo thì cổ đông lại động viên, tin tưởng ban lãnh đạo khiến cả hội trường vỗ tay.
Niềm tin của cổ đông chính là động lực để lãnh đạo cật lực chèo lái doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh môi trường kinh doanh không thuận lợi hay gặp phải những khó khăn bất khả dĩ.
Minh An