Vietstock - Còn thiếu nhiều yếu tố để có đặc khu “đặc biệt”
Việt Nam đang tích cực xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (ĐVHCKTĐB), nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để hình thành và phát triển ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu): Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
* Khi các đặc khu đã khởi động trên đường băng
Một góc Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TRIỆU TRÙNG ĐIỆP
|
Ba đặc khu này được mong chờ như những đòn bẩy kinh tế đất nước, thúc đẩy vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thế giới trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trông người mà ngẫm đến ta
Dự thảo luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư “chấp bút”, được đăng tải trên trang web của Quốc hội để đón nhận góp ý của dư luận(1). Theo các chuyên gia soạn thảo, dự thảo (đã qua ba lần sửa đổi) này tập hợp tám nhóm chính sách. Trong đó, có các điểm nổi trội là thể chế vượt trội ; thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn và các ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư ở mức độ “cao” so với khu vực. Xin nhấn mạnh là các nhà làm luật coi rằng đặc khu là “phòng thí nghiệm” để thí điểm các quy định mang tính táo bạo, vượt ra khuôn khổ chung. Nếu “thí nghiệm” thành công, các quy định này sẽ được xem xét để áp dụng trên phạm vi cả nước.
Câu hỏi chính đặt ra là, với khung luật này, liệu các nhà đầu tư quốc tế có thấy thực sự hấp dẫn và “đổ xô” tới các đặc khu của Việt Nam như chúng ta mong đợi hay không?
Thống kê cho thấy hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 4.000 đặc khu với rất nhiều ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư vô cùng hấp dẫn, trên nền tảng cơ sở hạ tầng ưu việt hơn hẳn chúng ta. Các đặc khu thế hệ mới này đang tập trung vào xây dựng những cụm cạnh tranh (competitiveness clusters) đẳng cấp quốc tế, dựa trên sự kết hợp chặt chẽ và thống nhất giữa bốn thành phần “nhà hoạch định chính sách - doanh nghiệp - các đơn vị đào tạo và nghiên cứu - người dân”, trên nền tảng một dự án/hệ sinh thái phát triển chung trong đó khung luật là một công cụ tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác sáng tạo chứ không phải là một đích đến. Các ưu đãi về thuế, đất đai, lao động - tuy quan trọng - nhưng không còn là yếu tố chính thu hút đầu tư vào đặc khu nữa.
Theo báo cáo năm 2015 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) liên quan đến các chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài(2), yếu tố đầu tiên thu hút các nhà đầu tư là một thể chế minh bạch, hiệu quả, ổn định để đảm bảo môi trường kinh doanh “thân thiện” với doanh nghiệp. Vì thế, chúng ta không nên mong chờ quá nhiều vào hiệu quả thu hút đầu tư của các ưu đãi thuế, đất đai mà dự thảo đề xuất. Hãy tập trung vào xây dựng một bộ máy hành chính dễ hiểu, dễ xác định được trách nhiệm của các cơ quan, một thể chế hiện đại, hiệu quả nhằm thiết lập ở các đặc khu một môi trường kinh doanh theo chuẩn quốc tế - điều cốt yếu nhất để các nhà đầu tư đẳng cấp quốc tế quyết định đến đầu tư ở các đặc khu. Đây cũng chính là đích đến của các đặc khu trên thế giới hiện nay.
Từ xuất phát điểm môi trường kinh doanh
Để làm được điều này chúng ta cần đánh giá khách quan môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay. Việt Nam thường được đánh giá là quốc gia cởi mở trong quan hệ thương mại, có lợi thế khi thu hút đầu tư nước ngoài so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, chất lượng đầu tư còn thấp, công nghệ thấp và trung bình chiếm ưu thế, việc chuyển giao công nghệ chất lượng cao còn ít, nhiều dự án gây ô nhiễm môi trường, nhiều dự án cố tình lách luật để hưởng ưu đãi. Ngoài ra, dòng vốn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư châu Á, thay vì từ EU hay từ Mỹ, cho dù nhiều hiệp định song phương đã được ký kết.
Các nhà đầu tư nước ngoài đều có nhận định chung rằng Việt Nam hấp dẫn ở các điểm như thị trường mới, tiềm năng, nhiều cơ hội phát triển, chính trị ổn định. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam bị đánh giá rất thấp trong khu vực. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2016, môi trường kinh doanh của Việt Nam chỉ xếp hạng 82/190 nền kinh tế trên thế giới(3). Từ một vài năm gần đây, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực cải cách. Tuy nhiên, bên cạnh một số tiến bộ mang tính riêng lẻ, những cải cách này chưa tạo được những thay đổi đồng bộ, lâu bền và triệt để nhằm đưa môi trường kinh doanh lên tầm cao mới có khả năng cạnh tranh với quốc tế.
Một mặt, môi trường pháp lý còn chưa đủ minh bạch, ổn định, các quy định pháp luật còn rườm rà, khó hiểu, thủ tục phức tạp, lại chưa có cơ chế hiệu quả hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận với pháp luật Việt Nam hay với các thông tin liên quan đến đầu tư. Mặt khác, các lĩnh vực “sống còn” với doanh nghiệp như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), đảm bảo cạnh tranh lành mạnh lại là điểm rất yếu của môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Không mấy ai ngạc nhiên khi biết rằng chỉ số hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual Property Index) của Việt Nam năm 2017 vẫn thấp hơn Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Singapore - những đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Ở Việt Nam, luật không thiếu, nhưng việc áp dụng không đồng bộ, thiếu hiệu quả, chế tài chưa đủ nghiêm khắc dẫn đến thực tế là có rất ít các hành vi vi phạm bị xử phạt nghiêm khắc. Điều này tạo ra tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư trong thế kỷ 21 này - thế kỷ mà tính sáng tạo, tài sản trí tuệ là vũ khí kinh tế hiệu quả nhất. Cũng thế, cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam đang ở tình trạng báo động.
Vì vậy, cần chú ý tới những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh táo bạo, vượt trội để có thể nâng cao khả năng thu hút đầu tư của đặc khu, không chỉ so với trong nước mà đồng thời có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, cần phải nhận ra rằng khuynh hướng phát triển chung trên thế giới hiện nay là hướng tới mô hình phát triển bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, an sinh xã hội. Môi trường chất lượng cao cũng là điều kiện thu hút đầu tư tới đặc khu.
Cách nào để bứt phá?
Dự thảo Luật ĐVHCKTĐB nhấn mạnh việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương vượt trội, đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết... Đây là những điểm cần, nhưng chưa đủ. Phải đưa vào luật này các quy định nhằm giải quyết các yếu điểm của môi trường kinh doanh Việt Nam như vừa đề cập ở trên.
Thứ nhất, cần phải có các quy định cụ thể nâng cao sự minh bạch trong hoạt động đầu tư, kinh doanh ở đặc khu, như quy định nghĩa vụ minh bạch thông tin liên quan đến các quyết định của chính quyền đặc khu, tạo kênh kết nối chính quyền với người dân để giải đáp các thắc mắc một cách công khai, nhanh chóng, tạo ra cơ chế giám sát hiệu quả, khách quan. Đồng thời, cần có chế tài đặc biệt nghiêm để xử phạt mọi hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân, có bộ ứng xử dành cho công chức đặc khu.
Thứ hai, cần đặc biệt chú ý xây dựng các cơ chế phản ứng nhanh, đặc biệt hiệu quả để đối phó với tình trạng vi phạm SHTT và cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ, nên lập ra tòa án chuyên trách về SHTT tại đặc khu, như kinh nghiệm Trung Quốc đã làm một cách rất hiệu quả để cải thiện hình ảnh “vương quốc hàng giả” trong mắt các nhà đầu tư. Lập ra tòa án chuyên trách về SHTT đồng thời nâng cao chế tài xử phạt không chỉ thể hiện quyết tâm của Việt Nam giải quyết vấn đề vi phạm SHTT tràn lan, làm yên tâm các nhà đầu tư, mà còn giúp các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp sáng tạo có thể phát triển mạnh mẽ, làm đầu tàu kinh tế cho đặc khu.
Thứ ba, cần tập trung làm nổi bật vấn đề phát triển bền vững, bảo vệ môi trường tại đặc khu, với một tiêu chuẩn cao vượt trội so với khuôn khổ chung hiện nay ở Việt Nam. Nguyên tắc “tăng trưởng xanh” cần phải được đưa vào nguyên tắc phát triển của đặc khu, vì đây là mô hình của tương lai. Thử nghiệm mô hình này tại đặc khu để nhân rộng ra cả nước là điều đặc biệt cần thiết để đạt được mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Chưa có các giải pháp như trên, luật chưa thể biến Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thành các đặc khu “đặc biệt” như chúng ta mong muốn được. Xây dựng Luật ĐVHCKTĐB là cơ hội để đưa ra các giải pháp phát triển toàn diện, lâu dài, táo bạo chứ không chỉ là nâng cao ưu đãi, hỗ trợ, mở cửa thị trường rộng hơn để thu hút đầu tư không có định hướng. Chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội bứt phá này.
Lê Thị Thiên Hương