Vietstock - Giới chuyên gia nhận định về nhiệm vụ kinh tế hàng đầu của Trung Quốc
Hội nghị Công tác kinh tế trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20/12 với chủ đề chính là "Triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc năm 2019."
Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Vĩnh Hà/TTXVN
|
Giới chuyên gia dự báo ban lãnh đạo Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đề ra những nhiệm vụ kinh tế trọng yếu cho năm tới trong bối cảnh môi trường quốc tế diễn biến phức tạp.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, trong năm 2019, Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng trong khi vẫn đảm bảo sự ổn định. Năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã theo đuổi tăng trưởng ổn định, qua đó có thể ứng phó hiệu quả với những thay đổi sâu sắc của môi trường bên ngoài.
Những nỗ lực nhằm kiểm soát rủi ro, giảm nghèo và giải quyết nạn ô nhiễm đã ghi nhận những tiến bộ rõ rệt. Cùng với đó là những tiến bộ trong công cuộc cải cách cơ cấu.
Hội nghị kinh tế trung ương lần này được cho là sẽ đề xuất những nỗ lực nhằm ổn định hơn nữa các lĩnh vực việc làm, tài chính, ngoại thương, đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước.
Hội nghị dự kiến sẽ kêu gọi duy trì tăng trưởng kinh tế liên tục và lành mạnh, ổn định xã hội toàn diện, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng và phát sinh bất ổn trong tăng trưởng kinh tế thế giới. Bằng cách duy trì phát triển theo chiều hướng ổn định, Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới.
Ngoài ra, phát triển chất lượng cao cũng sẽ là nhiệm vụ được Bắc Kinh hướng tới trong năm 2019. Khuyến khích phát triển chất lượng cao là một trong những biện pháp quan trọng nhất được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập đến trong bài phát biểu tại Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) tháng 11/2018.
Trong năm 2019, sự phát triển chất lượng cao cũng như việc cải thiện an ninh và sự hài lòng của người dân sẽ là những nguyên tắc chỉ đạo kinh tế của Trung Quốc. Nước này sẽ thực hiện cải cách theo định hướng thị trường, mở cửa hơn nữa và đẩy nhanh hiện đại hóa nền kinh tế.
Trung Quốc cũng sẽ tìm kiếm các bước đột phá trong việc ngăn ngừa những nguy cơ lớn, giảm nghèo theo mục tiêu đề ra, kiểm soát ô nhiễm, phát triển khu vực sản xuất, mở rộng thị trường trong nước, phát triển nông thôn và điều phối khu vực. Có thể hy vọng rằng công cuộc mở rộng nhu cầu trong nước và củng cố nền kinh tế sẽ đóng vai trò nổi bật hơn trong tăng trưởng vào năm tới.
Năm tới, Trung Quốc cũng sẽ duy trì tinh thần chủ động đi đầu. Chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc đã trở thành cuộc cách mạng thứ hai của nước này, làm thay đổi sâu sắc đất nước và ảnh hưởng sâu rộng ra thế giới.
Năm 2018 đánh dấu 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc. Kể từ đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp mở cửa mới, trong đó có việc giảm đáng kể thuế nhập khẩu đối với 1.449 mặt hàng tiêu dùng và 1.585 sản phẩm công nghiệp, giảm bớt các hạn chế mang tính tiêu cực đối với đầu tư nước ngoài.
Chính phủ Trung Quốc còn cam kết mở cửa hơn nữa đối với đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực tài chính, ôtô, máy bay và tàu thuyền...
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), xếp hạng môi trường kinh doanh của Trung Quốc đã tăng hơn 30 bậc kể từ năm 2017. Doanh thu từ CIIE đầu tiên đã đạt 57,8 tỷ USD, qua đó phản ánh tiềm năng đối với thị trường rộng lớn của Trung Quốc.
Năm 2019, Trung Quốc hướng tới tổ chức các diễn đàn cấp cao về hợp tác quốc tế và CIIE lần thứ hai. Đối với vấn đề phát triển, Chính phủ Trung Quốc sẽ chủ động đi đầu và nắm bắt các cơ hội chiến lược để phát triển.
Kết hợp 3 nhiệm vụ này với tình hình chung của nền kinh tế Trung Quốc, có thể thấy rõ ràng rằng những nguyên tắc cơ bản trong sự phát triển kinh tế ổn định và lành mạnh của Trung Quốc không thay đổi.
Trong bối cảnh nước này kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa, những thành quả từ sau hội nghị trung ương lần này có thể thuyết phục thế giới rằng triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2019 là tươi sáng.
Lương Tuấn