Vietstock - Vốn đầu tư nước ngoài: Nhiều con số nhưng thiếu lời giải thích
Trong thời gian gần đây, có nhiều ý kiến trái chiều khi đánh giá về nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) nói chung và nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) nói riêng vào Việt Nam.
Tính đến ngày 20-10-2017, nguồn vốn FDI thực hiện ước đạt 14,2 tỉ đô la Mỹ và nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) khoảng 4,7 tỉ đô la Mỹ.
|
Các ý kiến trái chiều đó phần nào xuất phát từ sự chưa nhất quán trong việc thu thập số liệu thống kê. Hiện nay, người dân có thể tiếp cận số liệu về đầu tư nước ngoài hàng tháng từ Cục Đầu tư nước ngoài, Tổng cục Thống kê (TCTK), hai cơ quan cùng thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và hàng quí từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được phản án trên cán cân tổng thể của nền kinh tế (Balance of Payment). Tuy nhiên, nội hàm các chỉ số thống kê giữa các cơ quan lại đang có sự khác nhau.
Theo số liệu của NHNN thì nguồn vốn FDI của các NĐTNN đã giải ngân hiện mới chỉ vào khoảng 5,9 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, TCTK cho biết tính đến ngày 20-10-2017, nguồn vốn FDI thực hiện ước đạt 14,2 tỉ đô la Mỹ và nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) khoảng 4,7 tỉ đô la Mỹ.
Vậy phải chăng các NĐTNN (bao gồm cả FDI và FII) đã giải ngân khoảng 18,9 tỉ đô la Mỹ vào nền kinh tế của Việt Nam từ đầu năm đến nay và các ngân hàng thương mại đang nắm giữ gần 13 tỉ đô la Mỹ trong tổng số tiền mà các NĐTNN đã giải ngân? Câu trả lời chắc chắn là không, bởi theo quy định về quản lý ngoại hối thì tổng trạng thái ngoại hối (Position) của toàn hệ thống hiện nay chỉ vào khoảng 5 tỉ đô la Mỹ, tương đương với 20% vốn tự có của toàn hệ thống ngân hàng.
Vậy chênh lệch ở trên được hiểu như thế nào trong bối cảnh cán cân thương mại của Việt Nam lại đang thặng dư khoảng 1 tỉ đô la Mỹ tính đến ngày 15-10-2017? Thực hư về dòng vốn đầu tư nước ngoài này hiện nay ra sao?
Về mặt kỹ thuật thì cán cân tổng thể sẽ phản ánh chính xác hơn nguồn vốn nước ngoài ra và vào một quốc gia. Bởi lẽ, các NĐTNN khi đầu tư vào Việt Nam thì sẽ phải mở các tài khoản vốn đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp để ghi nhận các khoản thu, chi của dự án. Do đó, có thể nhận định rằng con số 5,9 tỉ đô la Mỹ chính là số tiền mặt mà các NĐTNN đã giải ngân vào Việt Nam thông qua hình thức đầu tư trực tiếp. Chênh lệch còn lại như đã chỉ ra ở trên chịu tác động bởi một số nhân tố sau đây.
Thứ nhất, bên cạnh việc giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt thì các NĐTNN còn thực hiện giải ngân bằng máy móc, thiết bị để phục vụ trực tiếp cho dự án.
Thứ hai, theo cách thống kê hiện tại của TCTK thì nguồn vốn FDI đang bị lẫn bởi cả phần vốn góp từ phía Việt Nam trong các liên doanh với nước ngoài.
Thứ ba, một vài doanh nghiệp FDI chỉ có một số vốn nhất định khi đầu tư vào Việt Nam. Sau khi triển khai dự án họ sẽ tiến hành vay vốn các ngân hàng tại Việt Nam, chủ yếu là vay các ngân hàng liên doanh hay 100% vốn nước ngoài khi có sự bảo lãnh của tập đoàn mẹ ở nước ngoài. Do vậy, việc tăng vốn đầu tư vào dự án như trên cũng sẽ phản ánh chưa chính xác nguồn vốn thực mà các NĐTNN đã mang vào Việt Nam.
Với những nguyên nhân được chỉ ra ở trên thì chúng ta phần nào có thể hình dung ra được nguồn vốn FDI vào Việt Nam thực chất không lên tới con số 14,2 tỉ đô la Mỹ. Con số đáng tin cậy hơn có thể là số liệu được phản ánh trên bảng cán cân thanh toán tổng thể được NHNN công bố định kỳ hàng quí.
Hiện nay Cục Đầu tư nước ngoài là đầu mối chính cấp phép cho các doanh nghiệp FDI đăng ký triển khai dự án tại Việt Nam. Đây là cơ quan định kỳ hàng tháng có báo cáo về tình hình thu hút vốn FDI, bao gồm cả nguồn vốn đăng ký mới, tăng thêm và nguồn vốn thực hiện; đồng thời báo cả con số góp vốn mua cổ phần của NĐTNN.
Trong khi đó, NHNN thì thống kê về dòng tiền được giải ngân thông qua các tài khoản vốn đầu tư. Song cơ quan này lại đang ghi nhận các giao dịch mua bán cổ phần của các NĐTNN với khối lượng trên 10% vốn của doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp đã hay chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, là nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI). Do vậy, rất có thể sẽ có sự khác biệt trong việc thống kê các giao dịch. Trong khi NHNN ghi nhận là một khoản đầu tư FDI thì Cục Đầu tư nước ngoài có thể vẫn đang ghi nhận là khoản đầu tư FII.
Chính vì số liệu vẫn còn đang thiếu độ tin cậy mà mới đây TCTK đã ban hành Quyết định 1849/QĐ-TCTK nhằm thay thế cho các quy định trước đây về điều tra vốn đầu tư thực tế được giải ngân bởi các NĐTNN, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 nhằm giải quyết những hạn chế nêu trên.
Ngọc Khanh