Nhận Dữ Liệu Cao Cấp cho Cyber Monday: Giảm tới 55% InvestingProNHẬN ƯU ĐÃI

Cuối năm 2018 VPBank sẽ tiếp cận Basel II dựa trên xếp hạng nội bộ, xây dựng nhân sự theo hình thức BOT

Ngày đăng 22:43 16/10/2017
Cuối năm 2018 VPBank sẽ tiếp cận Basel II dựa trên xếp hạng nội bộ, xây dựng nhân sự theo hình thức BOT

Vietstock - Cuối năm 2018 VPBank sẽ tiếp cận Basel II dựa trên xếp hạng nội bộ, xây dựng nhân sự theo hình thức BOT

Trả lời phỏng vấn về lộ trình triển khai Basel II, ông Dmytro Kolechko - Giám đốc Khối quản trị rủi ro Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) cho biết, Ngân hàng đã bắt đầu áp dụng và sử dụng kết quả tính toán các chỉ số liên quan đến tỷ lệ an toàn vốn vào việc quản lý và đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, VPBank lên kế hoạch đến cuối năm 2018 sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên xếp hạng nội bộ (IRB approach).

* Áp dụng Basel II có thể giảm 30-40% CAR của các ngân hàng, giải pháp nào cho hiệu quả tối ưu?

* Lộ trình nào cho các ngân hàng áp dụng Basel II?

Năm 2004, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) đã giới thiệu một hiệp ước về vốn mới - Basel II để thay thế cho Basel I. Nếu như Basel I chỉ tập trung xác định các tiêu chuẩn về vốn để hạn chế rủi ro kinh doanh của các ngân hàng, giới hạn bằng việc đo lường rủi ro thị trường và đo lường cơ bản cho rủi ro tín dụng thì Basel II giới thiệu một chuỗi các cách tiếp cận rủi ro tín dụng phức tạp và tập trung mới vào rủi ro vận hành.

Với Basel II, Ủy ban Basel đã từ bỏ phương pháp luận “một kích thước phù hợp với tất cả” của Basel I về việc tính toán yêu cầu vốn pháp định nhỏ nhất và giới thiệu khái niệm ba trụ cột là: yêu cầu vốn tối thiểu, rà soát giám sát và nguyên tắc thị trường. Trên thực tế, việc tính toán nhu cầu vốn theo Basel II đã yêu cầu các ngân hàng thực hiện khung rủi ro toàn diện trên toàn bộ tổ chức.

Tại Việt Nam, lộ trình áp dụng Basel II mà NHNN vạch ra đối với hệ thống NHTM bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank). Chương trình thí điểm bắt đầu từ tháng 2/2016, mục tiêu là đến cuối năm 2018 các ngân hàng này phải cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Basel II. Giai đoạn 2 là đến năm 2020 cơ bản các NHTM có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II (theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 ngày 08/11/2016).

Cụ thể hơn, theo quy định tại Thông tư 41, kể từ ngày 01/01/2020, ngân hàng không có công ty con, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thường xuyên duy trì tỷ lệ an toàn vốn xác định trên cơ sở báo cáo tài chính của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối thiểu 8% (hiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đang áp dụng là 9%). Đối với các ngân hàng có công ty con, tỷ lệ an toàn vốn xác định trên cơ sở báo cáo tài chính của ngân hàng và tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất xác định trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng theo quy định cũng tối thiểu là 8%.

Ông Dmytro Kolechko – Giám đốc Khối Quản trị rủi ro – VPBank.

Riêng với VPBank, ông Dmytro Kolechko - Giám đốc Khối quản trị rủi ro cho biết, Ngân hàng đã xây dựng dự án triển khai Basel II và bắt tay vào việc tính toán hệ số an toàn vốn. VPBank hiện tại đang định kỳ tính toán các yêu cầu về vốn dựa trên Thông tư 41 và đã bắt đầu áp dụng cũng như sử dụng kết quả tính toán các chỉ số liên quan đến tỷ lệ an toàn vốn vào việc quản lý và đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, VPBank đã lên kế hoạch đến cuối năm 2018 sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên xếp hạng nội bộ (IRB approach), đồng thời xây dựng nền móng để triển khai các yêu cầu theo Trụ cột 2 của Basel II bằng việc từng bước cơ cấu lại khung quản trị rủi ro của ngân hàng.

Nhân sự cho Basel II xây dựng theo hình thức BOT

Được biết, toàn bộ việc áp dụng các yêu cầu của NHNN theo chuẩn Basel II sẽ do một đội ngũ chuyên môn tại VPBank đảm nhận và chịu trách nhiệm. Trong tương lai, đội ngũ này sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quản trị vốn và quy trình đánh giá an toàn vốn nội bộ (ICAAP).

Theo ông Dmytro Kolechko, nhân sự cho ban dự án Basel II của VPBank được xây dựng theo hình thức BOT – xây dựng, vận hành và chuyển giao.

“VPBank đã thuê 3 chuyên gia quốc tế và một số chuyên gia của Việt Nam, đồng thời tuyển chọn các sinh viên chuyên ngành toán học tại các trường hàng đầu để được các chuyên gia đào tạo huấn luyện chuyên sâu. Các chuyên gia quốc tế sau đó sẽ dời đi và chuyển giao toàn bộ công việc cho nhân sự nội bộ vận hành. Hiện tại, ban dự án Basel II có khoảng 60 cán bộ nhân viên” – Ông Dmytro Kolechko chia sẻ.

Tăng chất lượng danh mục tài sản và dữ liệu

Basel II có đến ba trụ cột là: yêu cầu vốn tối thiểu, rà soát giám sát và nguyên tắc thị trường. Cả ba trụ cột đều rất quan trọng và cần thiết đối với các ngân hàng. Nhưng theo các chuyên gia trong ngành, ngân hàng Việt gặp nhiều khó khăn với trụ cột thứ nhất liên quan tới việc duy trì vốn tối thiểu (CAR) là 8% của tổng tài sản có rủi ro, nhưng cách tính sẽ khắt khe hơn nhiều so với Basel I.

Theo Basel II, rủi ro sẽ được tính toán theo 3 yếu tố mà ngân hàng phải đối mặt là: rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành và rủi ro thị trường. So với Basel I, cách tính chi phí vốn đối với rủi ro tín dụng có sự sửa đổi lớn, đối với rủi ro thị trường tuy có sự thay đổi nhỏ nhưng hoàn toàn là phiên bản mới đối với rủi ro vận hành, ngoài ra trọng số gồm nhiều mức khác nhau (từ 0 - 150% hoặc hơn).

Để tăng tỷ lệ an toàn vốn một cách hiệu quả, có hai phương án phổ biến là tăng vốn tự có hoặc giảm tài sản có rủi ro. Ông Dmytro Kolechko cho biết, VPBank đang thực hiện đồng thời cả hai phương án trên. Gần đây nhất, ngày 31/08/2017, VPBank được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 14,059 tỷ đồng lên 15,706 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, các biện pháp giảm thiểu rủi ro được triển khai trong nội bộ Ngân hàng bao gồm: tái cơ cấu danh mục tài sản (tối ưu hóa tỷ lệ các nhóm tài sản với trọng số rủi ro khác nhau) và nâng cao chất lượng dữ liệu. Đáng chú ý là việc áp dụng khẩu vị rủi ro và các giới hạn rủi ro cho các khối kinh doanh nhằm đảm bảo kiểm soát mức tài sản có rủi ro và tăng trưởng tài sản trong khuôn khổ khẩu vị rủi ro đã được phê duyệt.

Ông Dmytro Kolechko đánh giá cả hai phương án tăng tỷ lệ an toàn vốn nói trên có tầm quan trọng ngang nhau đối với VPBank. Trong đó, phương án giảm tài sản có rủi ro thông qua các biện pháp tăng cường chất lượng danh mục tài sản và dữ liệu là biện pháp được VPBank thực hiện liên tục và lâu dài.

Từ thực tế kinh nghiệm quốc tế, các ngân hàng thực hiện thành công Basel II thì hệ số an toàn vốn (CAR) thường giảm khoảng từ 1.3-5%. Do vậy, ngân hàng phải bổ sung thêm nguồn vốn cho hoạt động của mình để đáp ứng được yêu cầu của Basel II. Ông Dmytro Kolechko chia sẻ hệ số an toàn vốn của VPBank hiện vẫn đang đáp ứng yêu cầu tối thiểu của NHNN là 8%.

Yếu tố thử thách nhất khi áp dụng Basel II là cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin

Theo ông Dmytro Kolechko, việc áp dụng Basel II là một bước đi chiến lược đối với VPBank; đồng nghĩa với việc uy tín của Ngân hàng tăng lên, xếp hạng tín nhiệm toàn cầu tốt hơn, có cơ hội tiếp cận nguồn vốn dồi dào hơn với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng Basel II với VPBank nói riêng và các ngân hàng khác trong hệ thống nói chung cũng gắn liền với những khó khăn như:

  • Về nguồn vốn: Việc thực hiện các yêu cầu về vốn sẽ dẫn đến sự cần thiết phải tăng vốn, đây là bài toán khó đối với tất cả các ngân hàng Việt Nam.
  • Về công nghệ thông tin (CNTT): Các ngân hàng có thể phải đầu tư một khoản tiền đáng kể vào việc tăng cường cơ sở hạ tầng CNTT cũng như xây dựng các phần mềm chuyên dụng để tính toán rủi ro theo quy định tại Thông tư 41 của NHNN.
  • Về chất lượng dữ liệu: Trong quá khứ chất lượng dữ liệu không được coi là yếu tố quan trọng với các vấn đề liên quan đến kinh doanh của ngân hàng. Tuy nhiên điều này đang và sẽ thay đổi, bởi dữ liệu không có sẵn hoặc dữ liệu không chính xác sẽ dẫn đến chi phí vốn cao hơn.
  • Về nguồn nhân lực: Hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam đều thiếu nhân lực cần thiết về quản trị rủi ro và CNTT để thực hiện các tiêu chuẩn Basel II. Do đó, các ngân hàng cần chú trọng đầu tư xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phù hợp để vận hành quản trị rủi ro theo các quy định của Ngân hàng nhà nước và các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong số những thách thức khó khăn nêu trên, VPBank đánh giá việc cải thiện cơ sở hạ tầng CNTT là một trong những yếu tố thử thách nhất. Các cơ sở hạ tầng CNTT ngân hàng (cả phần cứng và phần mềm) phục vụ hoạt động ngân hàng hàng ngày hiện tại chủ yếu được nhập khẩu từ các nhà cung cấp nước ngoài. Điều đó sẽ dẫn đến đầu tư ban đầu rất lớn cũng như chi phí bảo trì cao. Bên cạnh đó, kiến thức CNTT trong việc thực hiện các giải pháp hệ thống vẫn là một điểm yếu lớn ở Việt Nam (trong khi khoảng cách kiến thức về rủi ro/ngân hàng đã được cải thiện đáng kể). Do đó, việc phát triển và triển khai các giải pháp CNTT của Basel II không chỉ tốn kém mà còn tiểm ẩn rủi ro thất bại.

Ông Dmytro Kolechko cho biết, VPBank đang triển khai phát triển cơ sở hạ tầng CNTT nhằm phục vụ việc tính toán tài sản có rủi ro một cách tự động, đồng thời củng cố khung quản trị rủi ro của Ngân hàng.

Thu Phạm

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.