Vietstock - Bộ Công Thương quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh
Bộ Công Thương đã ký quyết định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Sau cắt giảm, bộ này sẽ còn lại 541 điều kiện được áp dụng ở các ngành, nghề.
“Đây là đợt cắt giảm lớn nhất trong lịch sử ngành công thương”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho báo chí biết sau khi ký Quyết định số 3610a hôm 21-9.
Với quyết định này, 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc ngành đã được cắt giảm. Trước đó, Bộ Công Thương đã thực hiện các đợt rà soát từ năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017.
Theo báo cáo của Tổ công tác rà soát điều kiện kinh doanh thuộc bộ, tính đến ngày 20-9-2017, các đơn vị thuộc bộ đã đồng loạt gửi kết quả rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Tổng số điều kiện kinh doanh mà các đơn vị tiến hành rà soát là 1.216 trong 27 ngành, nghề, nhưng chưa tính đến ngành nghề sản xuất, nhập khẩu ô tô.
Điểm đáng chú ý của đợt rà soát lần này theo tổ công tác là số lượng điều kiện kinh doanh mà các đơn vị đề xuất cao hơn so với dự kiến ban đầu là 60 điều kiện, lên tới con số 675 điều kiện.
Sau đó, bộ còn tiếp tục rà soát các điều kiện ở 17 ngành, nghề kinh doanh còn lại đề xuất cắt giảm. Các ngành, nghề này bao gồm: xăng dầu, khí, tiền chất thuốc nổ, hóa chất, rượu, thuốc lá, thực phẩm, điện, tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh, nhượng quyền thương mại, logistic, tiền chất công nghiệp, sở giao dịch hàng hóa, giám định thương mại, đa cấp, thương mại điện tử, vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).
Sau đợt cắt giảm mạnh, các doanh nghiệp sẽ giảm được trên 58% lượng mặt hàng phải kiểm tra trước thông quan, còn lại đều là những mặt hàng mà theo quy định của pháp luật, bộ không có thẩm quyền bãi bỏ việc kiểm tra trước thông quan. Tuy nhiên, với những mặt hàng này, bộ đã triệt để áp dụng các nguyên tắc như minh bạch hóa (quy định đầy đủ mã HS), quản lý theo mức độ rủi ro (phương thức kiểm tra giảm hoặc chỉ kiểm tra hồ sơ), quản lý theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và xóa bỏ độc quyền, xã hội hóa công tác kiểm tra.
Trước đó, các vấn đề nổi cộm, bị doanh nghiệp phàn nàn nhiều như kiểm tra hiệu suất năng lượng, kiểm tra hàm lượng formaldehyde, kiểm tra chất lượng thép, dán nhãn tiết kiệm năng lượng, khai báo hóa chất… đều đã hoặc sẽ được giải quyết dứt điểm. Công tác cải cách thủ tục hành chính và áp dụng thủ tục trực tuyến cũng thu được nhiều kết quả tốt hơn.
Một ví dụ cắt giảm theo quyết định mới là bộ sẽ áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro để giảm tần suất kiểm tra. Các lô hàng cùng loại, cùng xuất xứ, nếu đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm qua 5 lần kiểm tra liên tiếp sẽ được áp dụng phương thức chỉ kiểm tra hồ sơ, không lấy mẫu sản phẩm. Với mặt hàng thép, khi còn thực hiện thủ tục kiểm tra trước thông quan, bộ cũng đã áp dụng các hình thức kiểm tra giảm và chỉ kiểm tra hồ sơ để giảm thời gian thông quan và chi phí cho doanh nghiệp.
Các thủ tục kiểm tra sẽ chỉ áp dụng đối với các nhóm sản phẩm có nguy cơ cao không bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng danh mục hàng hóa được miễn kiểm tra hoặc áp dụng ngay hình thức kiểm tra hồ sơ.
Các lĩnh vực mà Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý về mặt Nhà nước chiếm 70% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.